Thời sự

Siết chặt đường biên ngăn hàng nhập lậu

25/03/2014, 09:29

Bộ Công thương VN cũng phải thừa nhận, nạn buôn lậu, hàng giả đang ngày càng "phủ sóng" rộng khắp.

Trong thời gian qua, hầu hết các tỉnh biên giới và vùng duyên hải đều xảy ra tình trạng buôn lậu và buôn bán hàng nhập lậu. Sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng có mức độ và quy mô lớn hơn trước.

Hàng giả, hàng lậu tăng mạnh

Theo nhận định của MUTRAP (Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu tại Việt Nam), những năm gần đây, kinh tế thế giới biến động phức tạp, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo, tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam (VN) khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước không thuận lợi. Lợi dụng khó khăn đó, các đối tượng làm ăn phi pháp đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất- kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm để tung ra thị trường.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trương Quang Hoài Nam cho biết, gian lận thương mại diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc thuê - mượn giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh; cố ý sử dụng tên cửa hàng, cửa hiệu xâm phạm các thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ; giả mạo đại lý bán hàng cho các sản phẩm, thương hiệu có uy tín đến gian lận về tiêu chuẩn, chất lượng và đo lường, gian lận về giá, gian lận trong quảng cáo, khuyến mãi...

  Bộ Công thương họp bàn tìm giải pháp tối ưu cho việc chống buôn lậu, hàng giả
Bộ Công thương họp bàn tìm giải pháp tối ưu cho việc chống buôn lậu, hàng giả

Do đó, năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 111.195 trường hợp, xử lý 57.867vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 220 tỷ đồng; trong đó phạt vi phạm hành chính 157,2 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu là 60,4 tỷ và truy thu thuế là 2,4 tỷ đồng. Cụ thể: Xử lý 8.359 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 24,1 tỷ đồng. Xử lý 9.036 vụ vi phạm về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 37,1 tỷ đồng. Xử lý 40.472 vụ vi phạm về gian lận thương mại, số tiền xử phạt là 96 tỷ đồng.

Công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi

Quản lý thị trường VN cho hay, đối tượng vi phạm rất đa dạng, từ các nhân và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; từ những đối tượng kém hiểu biết đến các đối tượng am hiểu pháp luật; từ khu vực kinh tế tư nhân đến khu vực nhà nước; từ thành phần kinh tế tự do đến cả công chức, viên chức nhà nước. Đối với tất cả các loại hình vi phạm, phương thức thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, hình thành những đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia, móc nối giữa trong nước với nước ngoài. Ngày càng mở rộng địa bàn vi phạm, địa bàn tiêu thụ; đặc biệt là hàng giả trước đây chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, nơi người dân ít thông tin, kém hiểu biết, nay mở rộng ra các tỉnh thành phố lớn do công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi.

Không chỉ sản xuất tại VN mà 1 tỷ lệ không nhỏ sản xuất từ nước ngoài tuồn vào VN (đến 60%- 70%). Chỉ cần qua các đường mòn biên giới là có thể vào các khu chợ và di chuyển về sâu trong nội địa với giá rất rẻ.

Siết chặt đường biên

Bộ Công thương VN cũng phải thừa nhận, tuy Chi cục Quản lý thị trường các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn “luồn” vào VN và ngày càng “phủ sóng” rộng khắp.

Để “chống” vấn nạn này, EU yêu cầu Bộ Công thương VN cam kết và chỉ đạo Quản lý thị trường VN trong thời gian tới phải tăng cường siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các mặt hàng trọng điểm, nổi cộm như: gia cầm nhập khẩu trái phép, thuỷ sản nhập lậu, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, mũ bảo hiểm... Các địa bàn cần tập trung kiểm tra, kiểm soát là các thành phố, thị xã và vùng ven đô, kho chứa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, nơi phát luồng hàng hoá. Ngăn chặn triệt để hàng giả nhập lậu từ biên giới phía Bắc như sữa, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm...

Theo đó, Bộ Công thương đã ra quyết sách tập trung kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường sắt Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội, Lạng Sơn - Hà Nội; trên các tuyến hàng không quốc tế và nội địa; vùng biển Đông Bắc, tuyến biển miền Trung; tuyến đường bộ từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lao Bảo, An Giang, Tây Ninh vào nội địa.

Dương Hằng Nga

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.