Để tránh rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa ngooại tệ, đa dạng hóa thị truờng - Ảnh: K. Linh |
Tăng áp lực lên tỷ giá cuối năm
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa ban hành Chỉ thị số 04 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018, trong đó có liên quan đến chính sách quản lý ngoại tệ. Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường; Cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát; Hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong lãnh thổ; Kiểm soát chặt việc cho vay ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.
Chỉ thị 04 được ban hành trong bối cảnh giá USD liên tục biến động vừa qua làm dấy lên lo ngại tác động đến thị trường ngoại hối 5 tháng cuối năm.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần quan tâm hơn đến các rủi ro về tỷ giá. Bằng cách nên đa dạng hóa các loại tiền tệ để thanh toán, thay vì chỉ có USD. Đồng thời, doanh nghiệp nên phối hợp với ngân hàng để sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đặc biệt là các công cụ phái sinh mà một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đã dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần bám sát thị trường, đa dạng thị trường hơn, bao gồm cả việc đẩy mạnh thị trường trong nước. |
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ giá sẽ tăng áp lực vào những tháng cuối năm vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản của đồng USD. Từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã tăng hơn 3%, điều đó đồng nghĩa với việc các đồng tiền khác trên thế giới đang bị mất giá từ 2-3% so với đồng USD. Trong khi đó, áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm nay cũng ở mức độ cao hơn các năm trước. Thực tế có thể thấy từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 2% so với USD. Để ổn định thị trường ngoại tệ và kiểm soát linh hoạt tỷ giá, NHNN đã kiên định chính sách tỷ giá trung tâm, từ đó, tạo tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Riêng với việc siết cho vay ngoại tệ và giảm dần, tiến tới chấm dứt cho vay, theo các chuyên gia là nằm trong lộ trình từ nhiều năm trước. Và lần gần nhất là dự thảo Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với doanh nghiệp (DN) cũng đã đề cập việc cho vay ngoại tệ trong ngắn hạn dự kiến kéo dài đến hết năm 2018 đối với DN có đủ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ. Tuy nhiên, tại thời điểm giải ngân, bên vay phải bán USD cho các ngân hàng thương mại để lấy VND mua nguyên liệu sản xuất hàng hóa. “Tuy nhiên, ngay cả siết cho vay ngoại tệ, các DN và ngân hàng sẽ chuyển qua quan hệ mua bán cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu”, lãnh đạo một ngân hàng nhận định.
DN sẽ phải mua USD tự do?
Theo các chuyên gia, việc siết chặt cho vay ngoại tệ tiến tới chấm dứt việc cho vay sẽ giúp hạn chế tình trạng đô la hóa. Điều này cũng góp phần giảm tình trạng doanh nghiệp lợi dụng lãi suất vay USD rẻ hơn VND để hưởng lợi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ái ngại rằng, viếc siết cho vay USD, siết tăng trưởng tín dụng… sẽ làm doanh nghiệp chật vật với nguồn vốn.
Lãnh đạo của một ngân hàng phân tích, xét duyệt hạn mức và room tín dụng đối với mỗi doanh nghiệp đều nằm trong kế hoạch đầu năm. Nếu đã là những doanh nghiệp có mối quan hệ tốt, lâu năm thì việc này không làm ảnh hưởng đến quá trình giải ngân. Tuy nhiên, việc siết lại tăng trưởng đồng nghĩa với việc siết cho vay cả bằng VND lẫn ngoại tệ. Như vậy với những hợp đồng vay mới hoặc những hợp đồng đã hết hạn trong những tháng cuối năm việc vay mượn sẽ chặt chẽ và khó khăn hơn vì dư địa tăng trưởng không còn nhiều.
Vị lãnh đạo này cũng đề cập đến khả năng doanh nghiệp sẽ chạy ra thị trường tự do để mua ngoại tệ. Khi mua ngoại tệ trên thị trường tự do sẽ tác động không nhỏ lên thị trường ngoại hối. Bởi vậy, kiến nghị cần phải có lộ trình chi tiết trong vấn đề tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ và chuyển qua quan hệ mua bán. Bên cạnh đó, cũng nên có trường hợp ngoại lệ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Saigon cho biết, là đơn vị xuất khẩu hàng thực phẩm đi thị trường châu Âu nên doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ đóng góp một phần ngoại tệ cho quốc gia chứ không phải doanh nghiệp nhập khẩu nên cần vay vốn. Hơn nữa, công ty luôn có tính toán đến khả năng biến động tỷ giá trong hợp đồng với đối tác. Vì bạn hàng lâu năm nên giả sử thị trường có biến động kéo dài thì hai bên sẽ cùng bàn để chia sẻ khủng hoảng.
Trái ngược với doanh nghiệp xuất khẩu, một doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất cho rằng, cuối năm nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Chính vì thế, việc siết cho vay ngoại tệ, ngưng cho vay ngoại tệ có thể làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong việc thanh toán nguồn hàng cho các đơn hàng suốt bao năm nay. “Trong thời buổi làm ăn khó khăn, việc siết cho vay ngoại tệ chuyển qua quan hệ mua bán trong tương lai sẽ làm doanh nghiệp đội lên chi phí nhất là khi giá ngoại tệ lại biến động không lường như năm nay”, một doanh nghiệp cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận