3 năm thanh tra chuyên ngành hơn 20 ngàn đơn vị sử dụng lao động
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ ngày 1/1/2016, cơ quan BHXH được giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Từ đó đến hết tháng 9/2019, toàn ngành đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH tại 20.202 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ). Qua đó, đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục tham gia BHXH, BHYT cho 161.268 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian; yêu cầu truy thu 353.944 triệu đồng; phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục truy thu đóng BHXH, BHYT cho 155.058 lao động do đóng thiếu mức tiền lương quy định với số tiền 157.401 triệu đồng. Đáng chú ý, các đơn vị SDLĐ đã truy nộp vào quỹ BHXH số tiền nợ là 3.583.144 triệu đồng (đạt tỉ lệ 42% trên tổng số nợ); cơ quan BHXH đã ban hành 2.028 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 75.359 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngành BHXH còn chủ trì, phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 56.449 đơn vị (nội bộ Ngành kiểm tra 36.456 đơn vị, phối hợp thanh kiểm tra liên ngành 19.993 đơn vị). Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót, hưởng chế độ BHXH không đúng quy định và yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 36.615 triệu đồng; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT 679.289 triệu đồng.
Tuy nhiên theo quy định hiện nay, tổ chức BHXH có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng lại chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, mà không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị SDLĐ và các cơ sở KCB BHYT nên đã gặp khó khăn. Điều này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi về chế độ BHXH, BHYT cho người lao động..
Cần kiện toàn để bảo vệ quyền lợi người lao động
Để kiện toàn chính sách và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, sắp tới việc sửa đổi Luật BHXH 2014 cần bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT như hiện nay. Bên cạnh đó, Luật BHYT sửa đổi cũng bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về BHYT, thanh tra việc thực hiện chính sách BHYT, thực hiện hợp đồng KCB BHYT. Đặc biệt, bổ sung thẩm quyền của cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về các biện pháp chế tài đối với các cá nhân, tổ chức chậm thực hiện kết luận sau thanh tra và Nghị định xử lý nợ BHXH, BHYT kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các đơn vị ngừng hoạt động, thuộc diện giải thể, phá sản để tháo gỡ, giải quyết chế độ cho NLĐ tại các DN này...
Cùng với việc bổ sung các chức năng thanh kiểm tra cho cơ quan BHXH, Điều 13 Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định “HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và người SDLĐ về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ”. Với quy định này đã làm rõ được sự khác biệt giữa HĐLĐ với hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc. .
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận