Thời sự Quốc tế

Siêu tàu chở dầu như "quả bom nổ chậm" giữa biển

28/03/2023, 14:15

Một siêu tàu chở hơn 1 triệu thùng dầu neo đậu ngoài khơi bờ biển Yemen đang có nguy cơ bị chìm hoặc nổ tung bất cứ lúc nào.

Nguy cơ biến Biển Đỏ thành "Biển Đen"

Nhận định trên do một quan chức Liên hợp quốc chia sẻ với hãng tin Sky News trong một bài phỏng vấn mới đây.

Theo quan chức này, "siêu tàu chở dầu mang tên FSO Safer đang neo đậu ngoài bờ biển Yemen, chứa hơn 1 triệu thùng dầu, đã bị bỏ lại ở đây từ năm 2015 khi Yemen rơi vào nội chiến. Sau 8 năm, con tàu dần hoen gỉ, rời ra, gần như sẽ chìm hoặc nổ bất cứ lúc nào, gây ra thảm họa về nhân đạo và môi trường nghiêm trọng trên Biển Đỏ.

Điều phối viên về nhân đạo của Liên hợp quốc tại Yemen – ông David Gressly cho biết: “Chúng tôi không muốn Biển Đỏ trở thành Biển Đen nhưng đó là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra”.

img

Siêu tàu chở dầu bị bỏ lại giữa biển như một quả "bom nổ chậm". Ảnh - Sky News

“FSO Safer là một con tàu cổ đóng từ năm 1976. Vì vậy, con tàu này không chỉ cũ mà còn không được bảo trì, có thể nổ và chìm bất cứ lúc nào. Những người đã biết về FSO Safer kể cả thuyền trưởng từng vận hành con tàu này đã nói với tôi, kịch bản đó chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

Do đó, quan trọng là phải hành động nhanh hết sức có thể, nếu không 1 triệu thùng dầu sẽ tràn ra Biển Đỏ. Chúng ta thực sự không còn cách nào khác ngoài việc phải giải quyết ngay vấn đề" - ông Gressly nhấn mạnh.

Cuộc sống của hàng triệu người có nguy cơ bị đảo lộn

Theo nghiên cứu của tạp chí khoa học Nature Sustainability, nếu kịch bản tràn dầu xảy ra thì sẽ mất từ 2-3 tuần để dầu tràn tới Saudi Arabia, lan ra Eritrea và xuống Djibouti.

Trong vài ngày, dầu sẽ xuống các cảng quan trọng của Yemen là Hudayah và Salif trên Biển Đỏ, làm gián đoạn hoạt động trợ cấp thực phẩm ảnh hưởng tới gần 6 triệu người.

Hầu hết hoạt động nhập khẩu nhiên liệu cũng sẽ phải tạm dừng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng vì hiện tại 8 triệu người ở Yemen đang phải sống dựa vào máy bơm, xe tải (cần dùng đến nhiên liệu) để lấy nước sạch.

Chưa kể, trên bờ biển Yemen, ước tính có 2 triệu người đang phụ thuộc vào các nhà máy khử muối để sản xuất nước sạch nhưng nếu tràn dầu, các nhà máy này cũng bị ảnh hưởng và có thể phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, tác động môi trường sẽ rất lớn, phá hủy và làm hư hại các rặng san hô cũng như các cánh rừng ngập mặn ven biển.

Tạp chí Nature Sustainability dự đoán, trong vòng 3 tuần, sự cố tràn dầu sẽ giết chết gần như tất cả nguồn cá dự trữ của Yemen trên Biển Đỏ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người sống ở khu vực ven biển dựa vào nguồn sinh kế và thực vật ven biển.

Liên hợp quốc đang rất nỗ lực để ngăn chặn nguy cơ xảy ra tràn dầu đến mức đã huy động vốn để mua một tàu cứu trợ nhưng tổ chức này vẫn còn thiếu 34 triệu USD trong khoản tài trợ 130 triệu đô la (106 triệu bảng Anh) cần để sớm ngăn thảm họa.

Theo Sky News, Chính phủ các nước Mỹ, Anh, Đức và Hà Lan đều đã đóng góp rất hào phóng nhưng không đủ.

Ông Gressly chỉ ra một điều trớ trêu rằng: “Nếu xảy ra tràn dầu, sẽ có hàng triệu đô-la lập tức đổ vào để giải quyết nhưng lúc này thì lại không tập trung chi ngân sách để ngăn thảm họa”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.