Thế giới giao thông

Singapore: Xe công nghệ thu phí nền tảng phải xin ý kiến người dân

07/10/2020, 06:39

Nếu như tại Việt Nam, phí nền tảng (platform fee) trong lĩnh vực gọi xe trực tuyến còn mới thì trên thế giới, đây là khái niệm đã có từ lâu.

img
Grab phải trải qua một quá trình xin ý kiến kéo dài hàng tháng về thu phí nền tảng ở Singapore

Tuy nhiên, trước khi thực hiện, các hãng đều có thông báo rộng rãi. Thậm chí, hãng Grab tại Singapore phải trải qua một quá trình xin ý kiến kéo dài hàng tháng.

Phụ thu phí nền tảng tới 2 USD

Điểm qua một số hoạt động thu phí nền tảng trong các hoạt động gọi xe trực tuyến, có thể thấy, các hãng gọi xe công nghệ mới có trụ sở tại Mỹ là Uber, Lyft có mức thu khá cao, tới 2 USD.

Cụ thể, Uber phụ thu loại phí này dưới tên “phí đặt vé” (booking fee) tại những quốc gia mà họ vận hành như Mỹ, Australia, Brazil và đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc, trong đó mức thu tại Mỹ là 2 USD.

Trên trang web chính thức, công ty cho biết: “Phí đặt vé giúp Uber trang trải các chi phí về điều tiết, an toàn và vận hành bao gồm bảo hiểm bảo vệ cho chính hành khách và tài xế trên mỗi chuyến đi”.

Một hãng xe công nghệ khác có trụ ở tại Mỹ cũng tính phí dịch vụ lên tới 2 USD tại nước sở tại và Canada ở mức 2 USD với mục đích tương tự.

Gần nhất, tại Đông Nam Á, GoJek, công ty gọi xe của Indonesia cũng thu phí nền tảng 0,7 đô la Singapore (tương đương 0,5 USD) từ ngày 9/3 tại đảo quốc Sư tử, tiền thu này để hãng dùng vào các hoạt động “cải thiện dịch vụ đặt xe trực tuyến”.

Trả lời tờ Channel NewAsia (Singapore) khi thông báo về việc thu phí, phía GoJek cho biết: “Tiền phí nền tảng sẽ được đầu tư trực tiếp vào những sáng kiến cải thiện trải nghiệm khách hàng, đối tác lái xe để người dùng và tài xế được hưởng những chuyến đi thoải mái, an toàn và đáng tin cậy hơn nữa”.

Grab phải xin ý kiến người dân Singapore trước khi thu

img
Thông báo lấy ý kiến người dân về việc thu phí nền tảng của Grab trên trang web chính thức của Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CCCS)

Nối gót các hãng trên, Grab cũng phụ thu phí nền tảng, trong đó tại Singapore, phí dự định là 0,3 đô la Singapore (tương đương 0,2 USD).

Song, ở đây, họ phải trải qua một quá trình kéo dài hàng tháng bao gồm nộp đề xuất lên Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CCCS) Singapore, chờ cơ quan này lấy và tổng hợp ý kiến từ người dân trong thời gian từ 28/7 - 11/8 trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Sở dĩ, riêng Grab phải làm vậy bởi công ty này buộc phải thực thi hướng dẫn do CCCS đưa ra vào tháng 9/2018 sau thương vụ Uber bán hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab, đổi lại 27,5% cổ phần.

Theo đó, Grab tại Singapore sẽ không được phép tự động thay đổi giá hoặc sản phẩm khi chưa có sự đồng ý từ CCCS, để hạn chế tác động tiêu cực từ hoạt động sáp nhập.

Ngoài lấy ý kiến cộng đồng, Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore sẽ cân nhắc khả năng Grab có được phép thực hiện hoạt động thu hồi vốn đầu tư mà theo họ, được dùng để phục vụ lợi ích lái xe và an toàn hành khách như vậy hay không, cũng như bản chất và loại đầu tư nào trong số đó cần xem xét.

Bởi, khi đưa ra đề xuất thu thêm phụ phí, Grab cho biết, công ty này đã đầu tư rất nhiều vào mục đích nâng cao trải nghiệm an toàn và thoải mái cho người dùng. “Các hoạt động đầu tư tập trung vào cải thiện mức độ an toàn, an ninh, phòng tránh sai sót và bảo vệ danh tính cùng một số chương trình bảo vệ kế sinh nhai, phúc lợi cho đội ngũ tài xế”, theo Grab.

Chia sẻ rõ hơn, trên báo điện tử Channel NewAsia, Giám đốc quản lý Grab, phụ trách về giao thông, ông Andrew Chan cho biết: Công ty đã đầu tư hàng triệu USD/năm vào xây dựng và duy trì các tính năng công nghệ đồng thời trên ứng dụng khách hàng và tài xế, đóng góp vào các cấp độ dịch vụ cũng như trải nghiệm.

“Hơn 80 cải tiến công nghệ được thực hiện trên nền tảng này riêng năm 2019”, ông Chan nói và điểm tên một số tính năng như nút bấm khẩn cấp, xác minh danh tính tài xế…

Bên cạnh đó, theo vị Giám đốc, Grab sẽ dành 2/3 số tiền thu được từ phí nền tảng vào phúc lợi của tài xế. Trong tương lai, hãng gọi xe công nghệ của Singapore còn dự định thực hiện một số hoạt động khác như trợ cấp đào tạo cho tài xế để nâng cấp kỹ năng; đóng góp nhiều hơn vào Chương trình Tiết kiệm y tế của GrabCar, dành cho các tài xế hợp tác của Grab…

Đến thời điểm này, chưa rõ kết quả lấy ý kiến từ CCCS cũng như quyết định cuối cùng của cơ quan này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.