Theo bác sĩ Hoàng Văn Cường, Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống chia sẻ, trước khi sơ, cấp cứu, người hỗ trợ cần đỗ xe an toàn, cách xa vị trí tai nạn, bật đèn cảnh báo nguy hiểm và mặc áo phát quang (nếu có).
Đặt biển tam giác cảnh báo nguy hiểm để cảnh báo cho người và phương tiện đi qua. Đồng thời, sử dụng một chiếc xe có đèn báo nguy hiểm cách vị trí tai nạn ít nhất 45m theo các hướng. Có thể nhờ những người xung quanh thực hiện điều này trong khi người hỗ trợ tiếp cận nạn nhân.
Ngoài ra cũng cần đảm bảo an toàn cho các xe gặp tai nạn. Ví dụ: Tắt máy phương tiện giao thông, tránh để lửa tiếp xúc với bình xăng…
Ổn định các phương tiện: Nếu xe không bị đổ, hãy kéo phanh tay, cài số và/hoặc chèn gạch trước các bánh xe. Nếu xe bị đổ nghiêng, đừng cố gắng lật lại, mà hãy cố chặn để xe không lật nghiêng thêm.
Xem xét những nguy hiểm tự nhiên, như luồng phương tiện đang di chuyển. Đảm bảo không ai hút thuốc lá quanh khu vực tai nạn.
Thông báo cho đội ngũ cấp cứu nếu gặp phải các hiện trường tai nạn sau: Có đường điện bị đứt, tràn nhiên liệu, xe tai nạn chở hoá chất, vậy liệu dễ cháy nổ.
Sau đó là đánh giá tình trạng các nạn nhân. Xử lý các nạn nhân có chấn thương nguy hiểm tính mạng trước. Luôn giả định có nạn nhân trong tai nạn giao thông đường bộ bị chấn thương cổ, cột sống. Lúc đó, cần thực hiện sơ cấp cứu như với người có chấn thương cột sống.
Rà soát toàn bộ khu vực quanh hiện trường vụ tai nạn để đảm bảo không bỏ sót các nạn nhân bị văng ra xa hoặc những người đã đi ra khỏi hiện trường. Hãy nhờ những người xung quanh giúp bạn làm điều này.
Nếu có người bị mắc kẹt trong xe hoặc dưới gầm xe, họ cần được cứu ra bởi đội giải cứu chuyên nghiệp như đội cứu hoả... Hãy đo và ghi lại các chỉ số sinh tồn của nạn nhân, bao gồm nhịp thở, nhịp tim và mức độ phản ứng trong khi chờ đợi họ đến hiện trường.
Nếu có nạn nhân trong ô tô bị chấn thương cột sống cổ, hãy giữ cố định đầu của nạn nhân trong khi chờ đội cứu hộ đến. Cùng với đó, hãy trấn an và giữ cho tai của nạn nhân không bị bịt kín để họ nghe được bạn nói.
Ngoài ra cũng cần lưu ý: Không băng qua đường có xe đang chạy để tiếp cận vụ tai nạn. Vào ban đêm, cần mặc hoặc mang theo những thứ phát sáng hoặc phản quang như áo phản quang, đèn pin. Không di chuyển nạn nhân nếu không thực sự cần thiết. Nếu phải di chuyển, luôn lưu ý đến chấn thương cột sống và có sẵn sự trợ giúp.
Các trường hợp tai nạn ô tô, nếu túi khí không hoạt động hoặc dây an toàn không đàn hồi có thể là một mối nguy hiểm. Tìm hiểu kỹ càng về vụ tai nạn và nói lại với đội cứu hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận