Số lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng cao. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, với kim ngạch hơn 600 triệu USD. Tính ra, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn. Nếu so với con số dự báo hơn 3 triệu tấn than nhập mà Bộ Công thương đưa ra từ đầu năm, con số trên đã vượt kế hoạch khoảng 7 triệu tấn.
Lý giải về tình trạng trên, tại buổi tọa đàm “Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” tổ chức ngày 24/10, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, than là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, than xuất khẩu thời gian vừa qua chủ yếu là than trong nước chưa sử dụng hết hoặc chưa sử dụng. Hàng năm, Bộ Công thương trên cơ sở tính toán cung cầu, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng trong nước, còn lại báo cáo Chính phủ xuất khẩu.
Về việc nhập khẩu than tăng nhanh, ông Thọ lý giải do nguồn than trong nước không đáp ứng nhu cầu sản xuất và than nhập khẩu có giá rẻ hơn giá than khai thác trong nước. Theo ông Thọ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu trong thời gian qua đó là yếu tố kỹ thuật, điều kiện khai thác của ngành Than gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, than trong nước cũng chịu tác động bất lợi từ cơ chế chính sách về thuế như ngày 1/7/2016, thuế tài nguyên môi trường tăng trung bình ba lần. Nếu tính tiền cấp quyền khai thác, bản chất cũng là thuế tài nguyên tăng hơn 10%, cao hơn mức trung bình 7%.
Về con số dự báo nhu cầu nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn than, ông Thọ cho rằng, Bộ Công thương chưa tính đến các nhà máy nhiệt điện BOT và các nhà máy đã nhập khẩu than trước đây như Formosa Đồng Nai, số liệu 3 triệu tấn cũng chưa tính đến các hộ khác như: Sản xuất xi măng, hóa chất, phân bón, luyện kim… Theo đó, khối lượng than phải nhập có thể lên khoảng 8-9 triệu tấn. “Dự báo thì sẽ không tránh khỏi các sai số, mà sai số này là hoàn toàn nằm trong điều kiện cho phép”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng nói.
>>>Xem thêm video:
Nhận định về tình hình nhập khẩu than sắp tới, ông Thọ cho biết: “Tính tới thời điểm hiện tại giá than nhập khẩu đã tăng lên tiệm cận với giá than sản xuất trong nước. Chính vì thế, thời gian tới nếu có nhập khẩu than cũng chỉ nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó”.
Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV, 9 tháng qua chính là giai đoạn khó khăn nhất của ngành Than trong vòng 10 năm trở lại đây. “Giá than trên thế giới hạ xuống đáy, tạo sức ép cho sản xuất than trong nước. Lượng than nhập khẩu tăng cao khiến TKV phải giảm sản lượng khai thác cả năm khoảng ba triệu tấn so với năm 2015. Bên cạnh đó, thu nhập, việc làm của cán bộ, công nhân ngành than cũng bị ảnh hưởng nhiều”, ông Biên chia sẻ. Để khắc phục tình trạng than tồn kho tăng, xuất khẩu chậm, TKV kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu thêm từ 2 - 4 triệu tấn/năm, từ năm 2017 - 2020 các loại than cao cấp, có giá trị mà trong nước không sử dụng để giảm tồn kho trong nước. Ngoài ra, thời gian tới TKV sẽ tiếp tục hoàn thiện các giải pháp về công tác quản trị, tiết kiệm chi phí trung gian, giảm giá thành sản xuất. “So với thời gian trước đây, giá thành sản xuất than đã giảm khoảng 1,5%, năng suất lao động tăng khoảng bốn lần, sắp xếp lao động giảm từ 126 nghìn người xuống còn 113 nghìn người... Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, ngành Than của Việt Nam vẫn có mức cơ giới hóa thấp, trình độ quản trị vẫn cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện”, ông Biên nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận