Xe khách hết ghế, xe đi chung “bội thu”
Sau khi được nghỉ lễ kéo dài 5 ngày ở quê nhà tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chiều 1/5, anh Lê Đình Thành (35 tuổi) tất bật chuẩn bị đồ đạc, hành lý để chuẩn bị trở lại Hà Nội làm việc. Gọi điện đặt vé xe đi tuyến Sầm Sơn - Giáp Bát của các nhà xe Thắng Thanh, Tuân Yến... anh Thành đều được thông báo hết giường nằm. Riêng nhà xe Hải Hạnh đồng ý nhận khách với giá 150 nghìn đồng/người nhưng sợ cảnh chen chúc, nhồi nhét nên anh Thành từ chối và lựa chọn phương án đặt xe đi chung.
Lên trang facebook “Hội đi xe chung Thanh Hóa - Hà Nội” đăng tải thông tin muốn đặt xe đi từ Sầm Sơn - khu vực Cầu Giấy vào 16h chiều 1/5, anh Thành được một chủ xe 5 chỗ báo giá 400 nghìn đồng/người. Ngoài ra, chiếc xe 7 chỗ cũng báo giá 350 nghìn đồng/người và sẽ di chuyển vào khoảng 18-19h.
Ra ngoài đường Nguyễn Du (phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn), anh Thành “hợp đồng miệng” với một chiếc taxi hãng “36” thì nhận được báo giá 1,7 triệu đồng/trọn xe và chỉ dừng có thể trả khách ở khu vực bến xe Nước Ngầm chứ không thể đưa vào nội đô Hà Nội.
“Sau khi khảo giá tất cả các loại hình, tôi lựa chọn phương án ngồi ghép xe với giá 400 nghìn đồng. Mặc dù biết giá tiền gấp 4 lần (giá xe khách ngày thường từ Sầm Sơn - Hà Nội là 100 nghìn đồng/người) nhưng đành chấp nhận vì không bị nhồi nhét và có thể đến Hà Nội sớm hơn để giữ sức khỏe cho ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ lễ”, anh Thành cho biết.
Mệt mỏi đứng chờ xe khách tại ngã ba chợ Cầu, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) gần 2 tiếng đồng hồ, chị Phạm Thị Mừng (28 tuổi) cùng chồng và 2 con nhỏ vẫn chưa đón được xe đi Hà Nội do các xe quá đông trong tình trạng nhồi nhét. Để đỡ vất vả cho con nhỏ, chị Mừng lên trang facebook “Hội xe đi chung Nam Định - Hà Nội” với mong muốn tìm được xe đi giá rẻ. Sau khi đăng tải nhu cầu, chị Mừng nhận được nhiều hồi đáp với các báo giá: 2 triệu đồng cho xe 5 chỗ, 2,5 triệu đồng cho xe 7 chỗ. Tuy nhiên, điều khiến chị Mừng lo lắng là có một số xe không nhận trẻ em vì lý do sợ quấy nhiễu hoặc không giữ vệ sinh chung.
Sau một hồi thương lượng, chị Mừng đã đón được chiếc xe 5 chỗ với giá 2,2 triệu đồng cho quãng đường từ huyện Hải Hậu đi Hà Nội. “Mặc dù giá xe “cắt cổ” nhưng vì con nhỏ nên gia đình cũng cố gắng chi trả. Lâu mới có dịp nghỉ lễ dài ngày, con cái vui chơi thoải mái nên cũng không để các con phải vật vã trong chiếc xe khách nhồi nhét, đầy hơi người”, chị Mừng chia sẻ.
Xe “không nguồn gốc” tiềm ẩn nguy hiểm
Trao đổi với PV, đại diện một hãng xe khách chuyên tuyến cố định cho biết, việc xuất hiện loại hình vận tải xe đi chung, xe đi ghép đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới hoạt động vận tải của các tuyến xe khách cố định.
“Chỉ cần 1 chiếc xe 4 chỗ và kết nối trên mạng Facebook, các xe cá nhân này đưa đón khách khắp trong nội thành, không mất phí bến bãi, thuế kinh doanh. Giá vé chỉ gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn xe khách tuyến cố định một chút, nên hút hết hành khách”, vị đại diện này nói.
Ông Nguyễn Quang Bình, Phó Chánh TTGT Yên Bái cho biết, việc xử lý loại hình vận tải này còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu các thông tin tìm xe, tìm khách được đăng trên mạng xã hội, đây là quyền chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, dù mỗi ngày đều đăng nhưng không biết có khách đi hay không và đi vào lúc nào, ở đâu... để cơ quan chức năng nắm được, tổ chức phát hiện, xử lý. Đây là loại vận tải trá hình nhưng không thường xuyên, liên tục, khách có nhu cầu, có lợi nhuận thì đi, không thì thôi. Đặc biệt, các xe mà cánh tài xế sử dụng chủ yếu là xe riêng, xe gia đình 4 chỗ, không đăng ký kinh doanh nên khó quản lý.
“Thậm chí, nếu có kiểm tra mà tài xế và hành khách thống nhất nói là người nhà của nhau, mình không chứng minh được họ nói sai thì cũng không xử lý được. Việc loại hình vận tải này xuất hiện và được người dân ưa chuộng đã ảnh hưởng nhiều tới doanh thu của các xe chuyên tuyến”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, về lâu dài, các xe trên 4 chỗ nên có quy định phải lắp thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng tiện theo dõi. Với các trường hợp đăng ký xe gia đình nhưng ngày nào cũng chỉ đi tuyến giống nhau, gom khách ở nhiều nơi... thì tổ chức theo dõi, kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, cần cảnh báo hành khách tự ý tìm xe trên mạng xã hội để di chuyển có thể gặp phải tình huống mất mát, tai nạn, thậm chí bị cướp tài sản, hiếp dâm hay sát hại… bởi không biết tài xế là người ở đâu, nhân thân ra sao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận