Hiện trường một vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng |
Bài báo “Dừng xe thay lốp trên cao tốc, 2 người bị đâm tử vong” trên Báo Giao thông vài ngày qua đã được chia sẻ của nhiều bạn đọc trên mạng xã hội như một lời cảnh báo. Thậm chí, nhiều người tỏ ra hết sức bất ngờ trước thông tin chiếc xe Ford Ranger đỗ ở làn khẩn cấp để thay lốp, đã cử người đứng cảnh giới nhưng vẫn bị xe bồn chở xăng lao tới cán bẹp.
Vậy, nếu đang đi trên cao tốc bất ngờ gặp sự cố phải dừng lại, cần làm gì để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người trên xe?
Bạn đọc Lê Huỳnh Trí (TP.HCM) cho rằng: “Lái xe đã biết phải đỗ trong làn khẩn cấp nhưng không hiểu sao một phần thân xe vẫn chờm ra làn đường bên cạnh, đó có thể là nguyên nhân khiến xe đi sau tông vào. Tôi nghĩ, lái xe muốn thay lốp phải đỗ dịch ra làn bên ngoài mới có chỗ ngồi tháo lốp. Nếu là tôi trong trường hợp này sẽ liên hệ xe cứu hộ”.
Bạn đọc Lê Minh phản bác: “Trên xe có ba người thì không cần gọi cứu hộ, họ tự xử lý được, chỉ có điều phải đỗ đúng trong làn khẩn cấp và phải có biển cảnh báo. Nhiều người hỏi tôi lấy đâu ra biển mà dùng trong tình huống khẩn cấp đó? Xin thưa, Nhà nước chưa có quy định nhưng tôi đã tự mua, mua để bảo vệ chính mình”.
Ủng hộ ý kiến của Lê Minh, bạn đọc Huyền Lê cho biết: “Ở Đức, người lái xe buộc phải tự trang bị hộp cứu thương, biển chú ý hình tam giác và áo có miếng phản quang. Nếu cảnh sát kiểm tra không có hoặc hộp cứu thương đã quá hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền. Tôi đã từng gặp tai nạn trên đường, lúc đó mới hiểu rõ ba vật dụng đó cần thiết tới mức nào. Hộp cứu thương để đồ sơ, cấp cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn; Biển chú ý hình tam giác để cảnh báo khi phát hiện tai nạn hoặc xe hỏng phải đỗ trên đường: Áo phản quang để mặc khi cần tham gia cứu nạn”.
Bình luận dưới bài báo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay có quá nhiều lái xe không có kỹ năng đi trên đường cao tốc, trở thành hiểm họa với người khác. Các hành vi ngớ ngẩn được nhiều người chỉ ra là: Cài số lùi để về điểm giao cắt đã lỡ đi qua; Đi sát đuôi xe phía trước và liên tục nháy đèn, còi xin vượt; Chuyển làn không xi-nhan; Dừng, đỗ xe trên đường để đi vệ sinh; Không giữ khoảng cách an toàn (100-200m) với xe đi trước.
“Việc đỗ xe trên đường để tự thay lốp hoặc gọi dịch vụ vá xe thay vì gọi cứu hộ là một lựa chọn không hề khôn ngoan, nếu bạn muốn về nhà an toàn với gia đình, tốt nhất không nên dừng lại lâu bên lề một tuyến đường toàn xe đang lưu thông với vận tốc hơn 100km/h”, bạn đọc Hoàng Huy viết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận