Sáng 9/12, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ bàn giao hồ sơ mỏ cát cho nhà thầu thi công dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc bàn giao hồ sơ mỏ cát ngày hôm nay là một trong những bước quan trọng, kịp thời cung cấp nguồn vật liệu cát nhằm đẩy nhanh thi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các nhà thầu thi công, khẩn trương lập thủ tục đăng ký khai thác để phục vụ thi công các gói thầu xây lắp, đảm bảo toàn bộ cát khai thác phải được cung ứng cho dự án thành phần 4.
Đồng thời, nhà thầu huy động tối đa máy móc, thiết bị, con người để khai thác đáp ứng yêu cầu tiến độ, đảm bảo cát được khai thác chỉ được sử dụng cho dự án.
"Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Khẩn trương thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của nhà thầu thi công trong hoạt động khoáng sản tại các mỏ khoáng sản phục vụ dự án thành phần 4", ông Lâu yêu cầu.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng cũng giao Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tổ chức lập dự toán các chi phí liên quan đến việc khai thác; các loại phí, thuế có liên quan làm cơ sở xác định giá vật liệu, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, tuân thủ quy định pháp luật.
"Thường xuyên theo dõi tiến độ thi công, đôn đốc nhà thầu thực hiện khai thác đảm bảo tiến độ dự án", ông Lâu yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có 5 mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, mỏ MS 03 thuộc khu 4 của quy hoạch, diện tích 52,9833ha, trữ lượng 1.190.520m3 (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách); Mỏ MS 05 thuộc khu 5 có diện tích 100ha, trữ lượng 3.360.000m3 (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung); Mỏ MS 06, thuộc khu 5, diện tích 57,3ha, trữ lượng 1.978.133m3 (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung); Mỏ MS 11, thuộc khu 6 với diện tích 73,62ha, trữ lượng khoảng 1.987.740m3 (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề và xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung); Mỏ MS 14, thuộc khu 5, với diện tích 167,93ha, trữ lượng 2.518.950m3 (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung).
Theo ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, 5 hồ sơ mỏ cát được giao cho bốn nhà thầu thi công để lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công các gói thầu xây lắp của dự án thành phần 4.
Cụ thể, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 1.470.753m3; Công ty CP Hải Đăng 1.772.879m3; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 là 1.891.077m3; Tổng công ty Xây dựng số 1 là 1.451.449m3.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, đi qua bốn tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có vốn đầu tư 44.700 tỷ đồng, đã khởi công từ giữa tháng 6/2023. Điểm đầu của cao tốc kết nối quốc lộ 91 tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).
Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57km, Cần Thơ gần 38km, Hậu Giang khoảng 37km và hơn 56km đi qua tỉnh Sóc Trăng.
Giai đoạn 1 của dự án làm trước 4 làn xe rộng 17m, vận tốc 80km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32m với 6 làn xe, hoàn thành cuối năm 2026 và khai thác toàn tuyến vào năm 2027.
Theo hồ sơ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, nhu cầu sử dụng cát khoảng 7 triệu m3. Đây là vướng mắc, khó khăn của dự án vì khối lượng cát rất lớn, phải huy động chủ yếu trong ba năm (2023-2025).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận