Quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy tốt vai trò trong việc tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện chương trình, dự án, chính sách dân tộc.
Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS).
Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng (thứ 6 từ trái qua) dự lễ bàn giao nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc và vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng trong vùng đồng bào dân tộc, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nhất là triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được quan tâm thực hiện tốt. Tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh.
Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 346/467 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 74,09% (trong đó có 5/10 Trường Dân tộc nội trú vùng DTTS đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 50%).
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa chắc chắn, giúp người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đi lại an toàn vào mùa mưa. Ảnh: L.T
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Năm 2022, tổng số người có uy tín trên địa bàn tỉnh là 606 người, kinh phí thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng.
Thực hiện chuyên đề về “Dân tộc và Phát triển”, Ban Dân tộc còn tổ chức thăm, tặng quà cho 2 tập thể và 50 hộ nghèo, gia đình chính sách, người có uy tín tiêu biểu là người Khmer, với tổng số tiền là 60 triệu đồng. Ủng hộ 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, Vĩnh Châu là một trong những đơn vị cấp huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua nhờ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa, nên đời sống người dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, góp phần vào thành tích chung trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn.
Đáng ghi nhận là, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%. Xây dựng được 58 tuyến đường NTM kiểu mẫu, với chiều dài 72km; 100% đường ngõ, xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa; lộ bê tông hóa đạt trên 73%; có trên 99% hộ dân có điện sử dụng.
Bà con vùng đồng DTTS trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu yên tâm chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: C.Đ
Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS
Theo ông Thạch Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tại địa phương. Đặc biệt là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030.
Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các chính sách được triển khai đúng đối tượng quy định.
“Tham mưu tổ chức tốt các hoạt động lễ hội truyền thống trong đồng bào DTTS, nhất là tổ chức các hoạt động mừng lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo lần thứ V, khu vực ĐBSCL - năm 2022 và “Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ” lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng.
Đặc biệt là kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người DTTS không còn thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
“Kiến nghị Trung ương sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Đồng thời, xem xét tăng mức hỗ trợ (kiến nghị hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng/hộ) để tạo điều kiện cho các hộ nghèo có thể xây dựng được những căn nhà có chất lượng và có tuổi thọ cao hơn”, ông Tùng thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận