Chuyện dừng hay tiếp tục chạy, nên hay không trợ giá tàu an sinh từng nổ ra nhiều tranh luận trái chiều, bởi thực tế, để duy trì chạy những đoàn tàu này, mỗi năm đơn vị khai thác lỗ đến 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi Luật Đường sắt 2017 được ban hành, những tranh luận này lắng xuống bởi Luật quy định rõ Nhà nước sẽ hỗ trợ. Nhưng đến nay, vấn đề đặt ra là xác định như thế nào là tàu an sinh để được trợ giá lại không dễ và cũng đang có nhiều quan điểm khác nhau.
Những quan điểm “truyền thống” cho rằng, đã là tàu an sinh thì trên tuyến đó, địa phương đó phải rất khó khăn về giao thông, nhất là đường bộ vùng sâu, vùng xa, không có tàu thì người dân không có phương tiện đi lại. Ngoài ra, phải phục vụ chủ yếu người dân nghèo, khó khăn về kinh tế. Nếu lấy quan điểm này mà đối chiếu với 3 tuyến tàu an sinh hiện nay, đường bộ đã rất phát triển, thuận lợi thì tiêu chí an sinh không thuyết phục. Thực tế do nhiều vướng mắc về cơ chế xác định thế nào là tàu an sinh nên đến nay việc hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa được thực thi.
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - đơn vị đang khai thác các tuyến tàu an sinh thẳng thắn thừa nhận, đứng trên góc độ kinh tế, không nên chạy tàu các tuyến này vì chắc chắn lỗ.
Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng, duy trì chạy các đoàn tàu này cũng là để giữ gìn kết cấu hạ tầng đường sắt, chống lấn chiếm đất đai. Một cán bộ quản lý hạ tầng đường sắt bày tỏ, nếu dừng chạy tàu, nguy cơ xâm lấn hành lang ATGT đường sắt là nhãn tiền do địa phương sẽ lơ là hơn trong quản lý. Dừng chạy tàu, đường sắt cũng sẽ rút nhân lực trên tuyến, không đủ lực lượng để bảo vệ, kiểm tra thường xuyên.
Ông Phạm Thanh Quang, chuyên gia tài chính Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng: nếu xác định là tàu an sinh thì đơn vị khai thác phải chấp nhận lỗ một thời gian để để giữ tuyến, giữ hạ tầng cũng như duy trì cả bộ máy các hệ. Nếu dừng chạy tàu sẽ là sự lãng phí lớn về hạ tầng.
Về lâu dài, cần phải giải bài toán đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt và phương tiện kết nối để thu hút khách hàng, kể cả vận tải khách và vận tải hàng hóa để nâng cao hiệu quả vận chuyển trên tuyến, không phải thụ động nhìn tàu chạy lỗ như hiện nay.
Cũng theo ông Quang, về bản chất, việc hỗ trợ của Nhà nước không phải dành cho doanh nghiệp vận tải đường sắt mà thực ra là hỗ trợ cho đối tượng cần vận chuyển (người dân đi tàu an sinh, tổ chức cần vận chuyển thực hiện nhiệm vụ đặc biệt). Đã là doanh nghiệp cổ phần, phải có lãi họ mới tổ chức vận chuyển, chạy tàu. Do đó, cần sớm xây dựng cơ chế hỗ trợ chi phí hay trợ giá cho vận tải đường sắt an sinh.
Tuy nhiên để các tuyến đường sắt này sống lại, hấp dẫn người dân đi lại và vận tải hàng hoá, Nhà nước không nên hỗ trợ theo kiểu doanh nghiệp báo thực lỗ bao nhiêu hỗ trợ bấy nhiêu, mà nên hỗ trợ theo số hành khách và số tấn hàng hoá. Như vậy mới tạo động lực chính doanh nghiệp phải tự đổi mới hấp dẫn khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận