Trong lần sửa đổi quy định tới đây, khi tín hiệu đèn vàng bật sáng các phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng (Trong ảnh: Người điều khiển phương tiện dừng lưu thông lộn xộn tại nút giao Láng Hạ - Giảng Võ - La Thành, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn |
Hết tranh cãi phạt lỗi vượt đèn vàng
Một trong những quy định gây tranh cãi nhất hiện nay liên quan đến việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng giống như vượt đèn đỏ. Khá nhiều ý kiến cho rằng, Quy chuẩn 41 chưa làm rõ thế nào là tiến gần vạch dừng.
Cụ thể, Quy chuẩn 41 quy định khi tín hiệu đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải dừng trước vạch dừng xe. Trường hợp đã tiến sát đến hoặc đi quá vạch dừng nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Trong khi Luật GTĐB 2008 quy định chỉ khi đã đi quá vạch dừng mới được đi tiếp, điều này gặp rất nhiều phản ứng của lực lượng chức năng xử lý vi phạm và người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Hải Đăng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, đèn vàng chỉ có 3 giây nhưng không phải tại giao lộ nào cũng có đèn đếm ngược cho tín hiệu giao thông. Nếu tôi điều khiển xe tới gần vạch dừng mà tín hiệu đèn đột ngột chuyển sang đèn vàng thì làm sao để xử lý kịp thời? Khi đang điều khiển ô tô mà phanh gấp rất dễ khiến những xe sau không dừng sẽ xảy ra va chạm với xe phía trước trong khi vượt đèn vàng sẽ bị phạt. Vậy, phải như thế nào mới hợp lý?
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN - đơn vị soạn thảo quy chuẩn), Tổng cục Đường bô VN vừa trình Bộ GTVT dự thảo lần 2 sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành Quy chuẩn 41.
Đối với quy định tín hiệu đèn vàng, hiện nay, hầu hết các địa phương đã và đang tiến tới sử dụng hoàn toàn cụm tín hiệu đèn giao thông có đồng hồ đếm ngược. Tại những ngã tư tín hiệu xanh có đồng hồ đếm ngược, người tham gia giao thông sẽ làm chủ được tình huống giao thông, biết được đèn xanh chuẩn bị chuyển sang tín hiệu vàng, lực lượng chức năng dễ xử lý. Ngoài tính chủ động, đồng hồ đếm ngược còn có tác dụng ở những nơi giao cắt phải dừng lâu có thể tắt máy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Còn nơi không có đồng hồ đếm ngược vẫn theo quy định tại Quy chuẩn 41:2106, nghĩa là khi tiến sát vạch dừng nếu xét thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.
“Trong lần sửa đổi quy định tín hiệu đèn vàng này, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tuân thủ Luật GTĐB 2008 và Công ước Viên mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, khi tín hiệu đèn vàng bật sáng phải dừng lại trước vạch dừng. Từ các trường hợp sau thì được phép đi tiếp: Đã đi quá vạch dừng, hoặc đã tiến sát đến vạch dừng tại các cụm đèn không có đồng hồ đếm ngược, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm”, ông Lăng nói và nhấn mạnh: Quy định vẫn được đi tiếp nếu xét thấy nguy hiểm khi dừng ở cụm đèn tín hiệu không có đồng hồ đếm ngược được cho là để phù hợp với công ước viên về biển báo và tín hiệu giao thông đường bộ mà nước ta đã tham gia.
Cũng theo ông Lăng, không chỉ đối với tín hiệu vàng, khái niệm xe ô tô con, ô tô tải cũng được giải thích rõ hơn theo quan điểm xe con là xe con, xe tải là xe tải và các xe bán tải (pickup), xe VAN dưới 950kg được xem là xe con cho phù hợp với thực tiễn về kích cỡ và thực tế sử dụng. Có nghĩa là, đối với xe bán tải chỉ được coi là xe con trong tổ chức giao thông, thuận tiện cho chủ xe vào tuyến đường phố cấm xe tải.
Ngoài 2 nội dung trên, Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn 41 lần này cũng sẽ sửa đổi một số nội dung theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn như giải thích rõ hơn về biển báo Khu đông dân cư (R.420); giải thích rõ hơn về quy định treo biển trên giá long môn, cột cần vươn; vạch sơn phân chia làn thô sơ và làn cơ giới; bổ sung vạch sơn 1 nét liền, 1 nét đứt để phân chia các làn xe cùng chiều; cách bố trí biển số R.412 - Làn đường dành riêng cho từng loại xe; biển chỉ dẫn lối đi khi đặt biển cấm.
Biển báo tại cầu vượt Thái Hà, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn |
Thống nhất cả việc cắm biển
Đánh giá về dự thảo quy chuẩn lần này, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, Quy chuẩn 41 có nội dung tốt, tiệm cận với Công ước quốc tế về biển báo và tín hiệu đường bộ, mặc dù còn có một số điểm bất cập như định nghĩa xe tải nhỏ/xe con; chữ chú thích dưới biển báo; hướng dẫn lộ trình triển khai đối với một số địa phương chưa có điều kiện thực hiện đúng... “Những nội dung sửa đổi trong dự thảo quy chuẩn lần này đã khắc phục được những điểm trên, đây là dấu hiệu hết sức tích cực”, ông Minh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, quan trọng nhất khi chính thức ban hành quy chuẩn phải đồng thời ban hành được hướng dẫn cắm biển báo và báo hiệu đường bộ đồng nhất trên toàn quốc.
“Hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức về lĩnh vực này dẫn tới tình trạng triển khai không đồng bộ, đôi chỗ mang tính chủ quan, thậm chí tùy tiện, cùng một báo hiệu nhưng các địa phương có thể có cách triển khai khác nhau (về tầm nhìn, chiều cao, kết hợp các biển, khoảng cách các biển, số lượng ký tự trên biển...). Đó là chưa kể đến chuyện nơi cần thì không có biển, nơi không cần thì thừa biển. Khá nhiều biển báo cấm nhưng ít biển hướng dẫn trong khi đáng ra phải làm ngược lại đó là tăng biển hướng dẫn giảm biển cấm...”, ông Minh nói.
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ, Quy chuẩn 41 là bước đột phá trong quản lý báo hiệu đường bộ, chuẩn cả về mức độ bao phủ cũng như nội dung quy định trong quy chuẩn, phù hợp với quy định các nước có xét đến điều kiện của Việt Nam.
Dự thảo đã tiếp thu những vấn đề cơ bản của Công ước Viên mà Việt Nam đã tham gia và có trách nhiệm tuân thủ. Tuy nhiên, ông Tạo cho rằng, có những nội dung Luật GTĐB hiện quy định chưa hết, chưa chặt chẽ nhưng khi soạn thảo quy chuẩn lại “gò” theo Luật. “Tôi cho rằng, khi viết quy chuẩn nên bám sát theo kinh nghiệm quốc tế. Quy chuẩn ban hành có thể “vượt” ra khỏi phạm vi Luật GTĐB và đến khi sửa Luật sẽ điều chỉnh theo quy chuẩn”, ông Tạo đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận