Áp dụng công nghệ hiện đại bảo trì đường bộ |
Chiều qua (18/12), chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương đề xuất cơ chế mới giúp quỹ vận hành nhanh, hiệu quả nhất.
Thúc tiến độ phân khai vốn
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trên cơ sở nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã có quyết định giao dự toán chi, quản lý bảo trì quốc lộ là 9.356 tỷ đồng (trong đó có 65% từ thu phí sử dụng đường bộ và ngân sách bổ sung 4.000 tỷ đồng). Tỷ lệ phân bổ cho Trung ương tiếp tục là 65% và các địa phương là 35%.
Vì vậy, để đảm bảo quỹ có thể vận hành ngay từ đầu năm 2019, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương khẩn trương phân khai vốn, lập danh mục sửa chữa thường xuyên quốc lộ, cũng như có văn bản thông báo, hướng dẫn cho các địa phương. Phải xác định đúng mức ưu tiên các đoạn tuyến quan trọng, vị trí cần sửa chữa, bảo trì và thực hiện đúng quy trình bảo trì.
Cùng đó, để hoàn tất công việc năm 2018, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Tài chính để hoàn thành giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2018.
“Thời gian còn lại của năm kế hoạch 2018 không nhiều, các đơn vị phải khẩn trương, tập trung cao độ triển khai công tác giải ngân. Hạn cuối đến 31/1/2019 phải giải ngân xong. Bởi tới đây Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương không còn nữa, quỹ sẽ vận hành theo cơ chế mới”, Bộ trưởng chỉ đạo và giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ đôn đốc, chỉ đạo rốt ráo thực hiện.
Trước đó, Chánh văn phòng quỹ Lê Hoàng Minh cho biết, đến tháng 12/2018 quỹ mới giải ngân đạt 85% dự toán (hơn 6.653/hơn 7.841 tỷ đồng) nguồn chi quản lý, bảo trì quốc lộ. Phần còn lại chưa giải ngân do kinh phí chưa được cấp về quỹ. Tới đây, ngay sau khi được cấp sẽ giải ngân đến các đơn vị trực tiếp sử dụng. Còn đối với nguồn chi hơn dành cho các địa phương, đến hết tháng 11/2018, các địa phương đã giải ngân được hơn 90%.
Ông Minh cũng cho biết, hiện các thủ tục chuẩn bị để giải thể Hội đồng quản lý quỹ theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng (tháng 9/2018) và tổ chức lại hoạt động của quỹ vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, đề nghị duy trì hoạt động của Hội đồng Quỹ Trung ương và Văn phòng Quỹ trong năm 2019 cho đến khi có quyết định chính thức.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương |
Cơ chế mới phải nhanh, hiệu quả
Cho biết lý do đến nay vẫn chưa tổ chức được mô hình mới của quỹ, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, việc giải thể Hội đồng quỹ liên quan đến nghị định quy định quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng. Hiện, nghị định đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần chờ thêm thời gian để ban hành nghị định mới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dù đang trong thời gian giao thời để chờ mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động mới, nhưng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương vẫn đảm bảo hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tới đây, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động mới của quỹ sẽ được xây dựng để khắc phục các khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến các thủ tục không cần thiết, dẫn đến chậm trễ trong việc đấu thầu, giải ngân.
“Trong quý I/2018, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư mới theo hướng phân cấp nhiều hơn để giảm bớt thủ tục hành chính”, ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết.
Liên quan đến cơ chế hoạt động của quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các thành viên Hội đồng quỹ hiện nay, các đơn vị của Bộ GTVT rà soát, đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
“Cơ chế mới của quỹ phải đảm bảo các thủ tục vừa đúng quy định pháp luật nhưng cũng phải nhanh nhất, đúng nhất. Cùng đó, Vụ Pháp chế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để khẩn trương sớm thống nhất đề xuất giải thể Hội đồng quỹ và lập mô hình quản lý quỹ đúng pháp luật, để năm 2019 đi vào hoạt động ổn định”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị rà soát lại tiêu chí quốc lộ nhằm có cơ sở đánh giá phù hợp hơn khi chuyển từ tỉnh lộ, đường địa phương lên quốc lộ. Việc có tiêu chí cũng giải quyết tình trạng có khu vực, địa bàn nhiều quốc lộ nhưng không phản ánh đúng nhu cầu, địa hình thực tế, cũng như ngăn ngừa hiện tượng “xin - cho” việc chuyển cấp đường lên Trung ương quản lý, bảo trì. Trường hợp chuyển đường địa phương lên quốc lộ cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính để phối hợp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận