Xã hội

Sớm nghiên cứu triển khai các giai đoạn sau của sân bay Long Thành

24/10/2019, 14:36

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

img
Thiết kế hiện đại của nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đồng thuận công suất sân bay Long Thành là 25 triệu khách/năm

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay: Theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, Dự án CHK quốc tế Long Thành được đầu tư xây dựng với mục tiêu đạt cấp 4F (cấp cao nhất) theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là CHK quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Dự án gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.

Có ý kiến đề nghị cần nâng quy mô đầu tư giai đoạn 1 của Dự án để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng của ngành hàng không. Đề nghị cho nghiên cứu sớm triển khai xây dựng đường cất hạ cánh số 2 để nâng công suất và phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời tránh được những sự cố có thể xảy ra khi chỉ có một đường cất hạ cánh duy nhất.

Có ý kiến cho rằng, cùng lúc vừa xây dựng CHK quốc tếLong Thành vừa nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất sẽ làm phân tán nguồn lực và chia sẻ lượng hành khách; nếu không tính toán kỹ có thể dẫn đến không phát huy tối đa hiệu quả của 2 cảng hàng không.

Ủy ban Kinh tế tán thành quy mô giai đoạn 1 của Dự án đã được nghiên cứu theo Nghị quyết 94, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án để vừa bảo đảm tính cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, vừa có thêm đường cất hạ cánh dự phòng cho đường cất hạ cánh thứ nhất để quá trình khai thác được liên tục, hiệu quả. Có ý kiến đề nghị đối với giai đoạn 2 của Dự án, nghiên cứu ưu tiên xây dựng đường cất hạ cánh số 2 bên cạnh đường cất hạ cánh đã xây dựng tại giai đoạn 1 để bảo đảm tính tối ưu.

Làm rõ việc thu hồi 136ha làm đường kết nối

Liên quan đến kiến nghị bổ sung thu hồi đất phục vụ 2 tuyến giao thông kết nối, ông Thanh cho hay: Ngoài diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng CHK quốc tế Long Thành theo Nghị quyết số 53/2017/QH14, Chính phủ đề nghị bổ sung thu hồi 136 ha đất để thực hiện 02 tuyến giao thông kết nối với CHK quốc tế Long Thành.

Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị làm rõ việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 136 ha gồm: loại đất cần thu hồi, tác động của việc thu hồi đất đối với người dân, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đã được tách riêng thành một dự án độc lập và giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện. Do vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ việc thu hồi diện tích đất này theo hướng sẽ được bổ sung, sửa đổi vào Nghị quyết số 53 của Quốc hội hay đưa vào Nghị quyết về báo cáo NCKT giai đoạn 1; kinh phí phát sinh tính vào Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị quyết 53 hay tính vào Dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Về vấn đề này, Người đứng đầu cơ quan thẩm tra cho hay: Nếu bổ sung diện tích đất thu hồi vào Nghị quyết 53 thì trình tự, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án, do đó, đề nghị đưa diện tích đất thu hồi vào giai đoạn 1 của Dự án CHK quốc tế Long Thành để thi công nhanh 02 tuyến giao thông kết nối, trước mắt là đường công vụ phục vụ cho việc thi công các hạng mục của sân bay; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của Dự án. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt khi thực hiện Nghị quyết 53 của Quốc hội.

Về điều chỉnh đất sử dụng cho quốc phòng, tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh, trong số 1.050 ha đất này, có 570 ha dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha dùng chung giữa quân sự và dân sự (đường cất hạ cánh số 4 và đường lăn). Nội dung này cũng đã được Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất bằng văn bản với Bộ GTVT.

“Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung (480ha). Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam” - ông Thanh nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.