Tại hội nghị phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thuỷ do UBND TP.HCM tổ chức ngày 14/12, ông Bùi Hoà An cho biết, giao thông thủy hiện phát triển trên 4 tuyến sông chính, hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động tạo bức tranh sinh động, nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy.
Tuy nhiên, việc phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ về quy hoạch, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa mới ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách.
Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp du lịch tại hội nghị chuyên đề phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thuỷ
Bên cạnh đó, việc di chuyển trên các sông, kênh rạch bị hạn chế rất nhiều bởi rác, ô nhiễm môi trường… vấn đề này đang làm hạn chế tiềm năng phát triển của du lịch đường thuỷ.
Theo Sở GTVT TP.HCM, hằng năm đơn vị tổ chức vớt lục bình trên 5 tuyến sông, sản lượng trung bình vớt được 30 tấn/ngày nhưng trong đó chỉ khoảng 30% là lục bình, còn lại rác gây ô nhiễm sông ngòi.
Nhận định điểm yếu của du lịch đường thuỷ, đại diện Sở Du lịch TP.HCM nêu ra những khó khăn như hạn chế về quy hoạch nên đến nay vẫn chưa có các dịch vụ vui chơi trên mặt nước.
Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về việc tổ chức bến bãi, luồng tuyến và giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn sông.
Từ đó tìm giải pháp để thành phố phát triển vận tải đường thủy, đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.
Ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP, doanh nghiệp khai thác nhiều tuyến vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn ý kiến, TP.HCM nếu phát triển tốt vận tải đường thủy sẽ mang lại kinh tế.
Ông Hải đề xuất, sớm có các quy định về cho thuê đất hành lang sông, rạch để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư bến bãi, được khai thác các dịch vụ hỗ trợ như đặt nhà vệ sinh, quầy ăn uống, gian hàng quà lưu niệm… phục vụ du khách.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, muốn định hướng, xây dựng các sản phẩm du lịch phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm bến, bãi, luồng, tuyến. Bến thủy nội địa phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch khác, trong khi hiện nay quy hoạch ngành không có.
TP.HCM hiện có 411 vị trí bến thủy nội địa, hiện chưa cập nhật vào quy hoạch từng quận, huyện, dẫn đến tình trạng có những bến tồn tại từ rất lâu nhưng chưa có trong quy hoạch nên tạm thời phải đóng cửa.
Doanh nghiệp cho ý kiến cần giải quyết ô nhiễm nguồn sông ngòi mới phát triển vận tải đường thuỷ
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM để nghị Sở GTVT, Sở Du lịch rà soát lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia báo cáo UBND TP.HCM để có nhiệm vụ cụ thể trong vận tải đường thuỷ.
Các quận, huyện sớm cập nhật quy hoạch khai thác đường thủy. Ưu tiên một số điểm quy hoạch luồng tuyến, bến bãi... không quá dàn trải.
Còn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện doanh nghiệp về sử dụng bến bãi, thuê đất, đóng mới phương tiện, thuế phí...
Ông Cường khẳng định, UBND TP.HCM sẽ cùng các sở ngành tạo điều kiện doanh nghiệp ra mắt sản phẩm du lịch đường thủy để phát huy tối đa tiềm năng, kể đến những sản phẩm đêm nhạc "Có hẹn với Sài Gòn", trải nghiệm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận