Kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 7% cổ phần
Shark Tank Việt Nam tập 12 phát sóng tối 18/12 ghi nhận 3 phần gọi vốn thú vị: Cỏ cây hoa lá - thương hiệu ứng dụng công nghệ hiện đại khai thác giá trị nông sản đưa vào các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc.
Khởi nghiệp trong ngành mỹ phẩm từ chính các loại thảo mộc gần gũi ở quê nhà, kết hợp với thế mạnh của đội ngũ là bán hàng online để thu về doanh số “khủng”, màn gọi vốn cho thương hiệu Cỏ cây hoa lá của hai chị em Lan Phương, Ngọc Bích đã khiến không khí trong “Bể Cá mập” trở nên “sôi sùng sục” hơn bao giờ hết.
Yêu thích các sản phẩm thiên nhiên, từng học chuyên Hóa và tốt nghiệp Khoa Hóa (Đại học Bách Khoa Hà Nội) Lan Phương đã cùng em gái Ngọc Bích sáng lập ra thương hiệu Cỏ cây hoa lá, ứng dụng công nghệ hiện đại khai thác giá trị của các loại nông sản Việt như gừng, dừa, sả, hà thủ ô… đưa vào sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc.
Để cạnh tranh trong thị trường có nhiều thương hiệu hướng đến tính đa hiệu quả trong một phẩm, sản phẩm chọn hướng tập trung giải quyết chuyên sâu theo từng nhu cầu như dầu gội dưỡng tóc, chống rụng tóc, giảm gàu hay sữa tắm dưỡng da, khử mùi cơ thể.
Startup này sử dụng tối đa các nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam, kết hợp với một số chất làm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên. Sản phẩm được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt tại nhà máy đạt chứng nhận CGMP.
Sau 5 năm, thương hiệu đã phân phối sản phẩm tới hàng triệu người tiêu dùng từ 25 tuổi trở lên qua kênh bán hàng trực tuyến, các đơn vị bán lẻ và kênh bán hàng đại lý, bán hàng cá nhân. Trong đó 38% doanh thu đến từ mảng bán lẻ, 62% đến từ mảng đại lý.
Đặt mục tiêu vươn ra thị trường Đông Nam Á, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 50% mỗi năm và trở thành thương hiệu Việt được yêu thích nhất trong 5 năm tới, hai nhà sáng lập đến Shark Tank mùa 6 kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 7% cổ phần.
Lan Phương tiết lộ, 50% số vốn gọi được sẽ sử dụng cho các chiến dịch marketing activation (kích hoạt tiếp thị) tại điểm bán, 20% là chi phí tồn kho tại các chuỗi bán lẻ, một phần sử dụng để nghiên cứu thị trường Đông Nam Á và một phần dùng để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
Thuyết phục các Shark đầu tư bằng bức tranh tài chính, Lan Phương và Ngọc Bích cho biết doanh thu năm 2023 ước tính đạt 120 tỷ, lợi nhuận từ 10 – 15%. Năm 2024 dự kiến tăng trưởng doanh thu từ 30 – 50%, theo đó doanh thu có thể lên tới 180 tỷ.
Ngoài ra, thương hiệu cũng có 2 kế hoạch tăng trưởng, tối thiểu là 30% và “đẹp” là 50% mỗi năm với quy mô doanh thu năm 2027 có thể đạt 600 tỷ. Lan Phương cho biết chị em cô đang gọi vốn ở phương án an toàn là tăng trưởng 30%/năm với giá trị doanh nghiệp là 14 triệu USD.
Ấn tượng với sản phẩm phù hợp xu hướng và kết quả kinh doanh đạt hơn 100 tỷ mỗi năm nhưng các Shark đều có cùng quan điểm rằng cách định giá doanh nghiệp 14 triệu USD của hai chị em Lan Phương, Ngọc Bích đang rất cao.
Mỗi Shark xuống tiền 1 triệu USD ra deal, startup lắc đầu
Shark Hưng nhận xét hai nhà sáng lập chưa tìm hiểu rõ nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư nên con số dự phóng và cách định giá doanh nghiệp còn nhiều rủi ro. Chính vì thế nên ông quyết định rời khỏi thương vụ này.
Khác với Shark Hưng, 4 “Cá mập” còn lại thể hiện sự hứng thú và sẵn sàng đàm phán một con số hợp lý để chốt thương vụ.
Shark Hùng Anh là người đầu tiên chốt deal với số tiền 1 triệu USD sở hữu 25% cổ phần.
Shark Louis với khẩu vị đầu tư vào doanh nghiệp ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và có thế mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam qua thị trường Mỹ, Canada, Trung Quốc nên ông đề nghị đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 36% cổ phần, tương đương định giá thương hiệu khoảng 4 triệu USD.
Khẳng định mình là “đôi cánh đích thực” để startup “bay” ra thị trường quốc tế với hệ thống kho vận Boxme, Shark Bình đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 25% cổ phần.
Nêu ra lợi thế về mối quan hệ với thị trường mỹ phẩm, đồng thời có thể giúp startup kêu gọi vốn ở các vòng tiếp theo, Shark Tuệ Lâm cũng đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 25% cổ phần.
Để cạnh tranh, ngay lập tức Shark Bình và Shark Hùng Anh tung ra các lợi thế khác của mình. Trong khi Shark Bình hứa hẹn có thể cho startup vay vốn thêm 1 triệu USD nếu cần thì Shark Hùng Anh cho biết ông có thể hỗ trợ về phần quảng cáo trực tuyến.
Sau khi thảo luận, Lan Phương đề nghị Shark đầu tư 1 triệu USD cho 8% cổ phần. Cô cho biết startup còn gọi vốn các vòng tiếp theo nên nếu lúc này nhà đầu tư sở hữu tỷ lệ quá lớn thì nhóm sáng lập sẽ không còn động lực để phát triển nữa. Ngoài ra, thương hiệu cũng có kế hoạch ESOP khoảng 3 – 5% cổ phần cho các nhân sự quản lý.
Lúc này, Shark Louis quyết định không đầu tư. Còn Shark Bình “quyết chiến” với Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm.
Ban đầu, Shark Bình đề nghị đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần, trong đó 5% sẽ được trích ra cho ESOP. Nhưng khi Shark Tuệ Lâm đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 20%, Shark Bình lập tức thay đổi số cổ phần sở hữu là 15%, 5% còn lại cho ESOP.
“Giành deal” với Shark Bình, Shark Hùng Anh cũng đưa ra đề nghị tương tự: 1 triệu USD cho 20% cổ phần, trong đó 5% cho ESOP.
Đến khi Lan Phương đưa ra đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 9% cổ phần, chỉ còn Shark Bình tiếp tục đàm phán. Ông đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 12% cổ phần kèm điều kiện tăng trưởng 50% trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, thương hiệu này không thay đổi đề nghị của mình. Thương vụ triệu USD khép lại đầy tiếc nuối khi không có cái bắt tay nào giữa Shark và startup.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận