LTS: Sử dụng điện TK&HQ là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước nhiều năm qua trong việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, trước bối cảnh nguồn điện mới chậm trễ đưa vào hoạt động đe dọa an ninh năng lượng giai đoạn 2025-2030, càng làm nổi bật hơn tầm quan trọng của việc tuyên truyền sử dụng năng lượng TK&HQ trong thời gian tới.
Báo Giao thông phân tích đầy đủ khía cạnh về sự cần thiết phải tiết kiệm điện, cũng như nêu bật những giải pháp đã và đang được triển khai rộng khắp. Đồng thời, khắc họa những nỗ lực tiết kiệm điện từ phía người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như những giải pháp của Chính phủ, Bộ Công thương trong việc ban hành chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ.
Tiết kiệm nghìn tỷ nhờ tái sử dụng năng lượng để phát điện
Là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, nhờ đầu tư bài bản cho sản xuất, mỗi năm Tập đoàn Hòa Phát tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng thông qua thu hồi nhiệt, khí thải để phát điện, tái sử dụng góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Cụ thể, năm 2023, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt 2,16 tỷ kWh - tức là tự chủ được gần 3.600 tỷ đồng tiền điện.
Còn trong nửa năm 2024, sản lượng phát điện đạt 1,21 tỷ kWh. Giúp Hòa Phát chủ động trên 90% lượng điện tiêu thụ sản xuất. Quy đổi theo giá điện hiện hành, lượng điện phát tự chủ được có giá trị trên 2.770 tỷ đồng.
Đại diện tập đoàn này cho hay, ngay từ khi triển khai các khu liên hợp gang thép, giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo nên sản phẩm thép xanh, thân thiện với môi trường, tăng thêm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thép Hòa Phát.
Hiện nay, Hòa Phát đang áp dụng 5 giải pháp sản xuất thép tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Kết quả thực hiện tiết kiệm điện năm 2023 ước đạt 1.815 triệu kWh. Trong đó, trụ sở cơ quan đơn vị ngành điện đạt 7,45 triệu kWh; cơ quan hành chính sự nghiệp đạt 355,42 triệu kWh; chiếu sáng công cộng đạt 173,95 triệu kWh; chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời đạt 67,71 triệu kWh và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đạt 1.210 triệu kWh.
Bên cạnh đó, hơn 11.730 khách hàng có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên đã ký kết thỏa thuận tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) tự nguyện phi thương mại với các tổng công ty điện lực, tiềm năng DR khoảng 2.860 MW.
Thứ nhất là thu hồi nhiệt dư, khí nóng lò cốc, lò cao, lò thổi sản xuất điện. Nhiệt dư phát sinh từ quá trình sản xuất than cốc, khí dư từ quá trình luyện gang, luyện thép được thu hồi, tận dụng phục vụ cho phát điện để cung cấp cho sản xuất. Tiếp theo là sử dụng công nghệ dập cốc khô thân thiện với môi trường để sản xuất điện.
Giải pháp thứ ba là công nghệ tuabin thu hồi năng lượng quạt gió lò cao (BPRT), ứng dụng tại các nhà máy thép Hải Dương và Dung Quất. Các nhà máy còn sử dụng nhiệt dư để sản xuất điện trong quá trình thiêu kết quặng. Một giải pháp khác là áp dụng công nghệ đúc - cán liên tục, tận dụng nhiệt từ phôi nóng. Phôi nóng sau đúc có nhiệt độ 750-900 độ C sẽ được chuyển ngay sang dây chuyền cán để sản xuất thép thành phẩm…
Lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát nhận định: Việc thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện là một giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, tăng tính cạnh tranh cho giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giải pháp này còn góp phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là trong những tháng nắng nóng cao điểm.
Đặc biệt, doanh nghiệp ghi điểm cho cơ hội "xanh" khi hướng đến sản phẩm thép "xanh" nhờ lượng điện do Hoà Phát tự chủ chính là điện xanh vì không phải đốt thêm than hay bất cứ một vật chất nào khác, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
"Việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước sản xuất, khí thải đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành thép hiện đại. Tại Hòa Phát, công nghệ luôn là ưu tiên số 1", lãnh đạo Hòa Phát tự hào.
Dùng giải pháp công nghệ để tối ưu tiêu thụ năng lượng
Tương tự như Hoà Phát, ông Lê Khắc Giang, Phó ban Quản lý năng lượng, Phó phòng Sản xuất Công ty Thép Việt – Sing cho biết, một trong những giải pháp giúp công ty tăng cạnh tranh và giảm giá thành là tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng.
"Công ty luôn chú trọng đầu tư, nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng", ông Giang nói và cho biết, ngoài những giải pháp mang tính nội vi như ban hành những quy định, hướng dẫn có liên quan đến vận hành, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức cán bộ công nhân viên về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… công ty còn triển khai nhiều dự án cải tạo thiết bị nhằm giảm tiêu hao năng lượng.
Theo ông Giang, Việt – Sing đã xây dựng quy trình vận hành lò nung phôi theo kích thước phôi, công suất cán khác nhau nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật liên quan; lắp biến tần tự động điều khiển áp lực gió lò nung thay cho van tiết lưu điều khiển cửa hút giúp giảm 25% tiêu hao điện năng cho động cơ quạt gió 75HP; lắp hệ thống bù tự động cho các tủ phân phối hạ thế, bù cục bộ tới từng động cơ AC (>22KW), góp phần duy trì Coshi trung bình hàng tháng xung quanh 0,95, giúp tiết kiệm khoảng 2,5% tiêu hao điện năng; lắp đặt hệ thống sục khí cho các tháp lọc, làm tăng hiệu quả lọc và giảm tiêu thụ điện cho bơm lọc…
Lãnh đạo Việt – Sing cũng thừa nhận, việc sử dụng hiệu quả năng lượng cũng mở lối cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang hướng đến xu hướng phát triển bền vững trong thời đại xanh hóa nền kinh tế.
Thực tế, ngành công nghiệp chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các khảo sát thực tế cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam khoảng 20-30%. Vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng của đối tượng này vô cùng quan trọng.
Không chỉ tiết kiệm mà còn là phát triển bền vững
Hoà Phát hay Việt – Sing chỉ là 2 trong số 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) - tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng).
Song, không chỉ là tiết kiệm, TS Hoàng Quốc Lâm, Chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, việc sử dụng năng lượng TK&HQ đưa đến cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích bền vững.
Cụ thể, giúp tiết kiệm tài nguyên đồng thời giảm chi phí bằng cách biến chất thải của một ngành thành nguyên liệu cho ngành khác; góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế; mang lại lợi ích xã hội bằng cách tạo ra công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp... Đây là phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững. Giúp doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm "xanh", trách nhiệm xã hội.
Trong khi đó, hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (AFTA, EVFTA, CPTPP…) ngày càng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về tính bền vững, yêu cầu doanh nghiệp trong kinh doanh phải nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện cụ thể các yêu cầu bắt buộc, các nghĩa vụ mang tính kinh tế, pháp lý, đạo đức, nhân văn trong quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Vì thế, sử dụng năng lượng TK&HQ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá trong thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận