Thời sự

Sử gia Mỹ kể chuyện Bác Hồ làm Cách mạng tháng Tám

30/08/2014, 18:17

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ...

TIN LIÊN QUAN

 

Bác Hồ dùng thử máy bừa tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội năm 1960
Bác Hồ dùng thử máy bừa tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội
năm 1960


“Có nhân dân, chúng ta sẽ có mọi thứ”


Ngày 8/2/1941, cảm thấy thời cơ cuối cùng đã chín muồi, Cụ Hồ bí mật trở về Việt Nam và đóng ở hang Pắc Bó. Hang lớn và sâu nằm ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng này chỉ cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 2 km. Nó nằm trên một quả đồi cao, dưới chân có một con suối hiền hòa uốn khúc, Cụ Hồ đặt tên là suối Lenin.


Mặc dù hẻo lánh, nhưng khu vực này vẫn bị các nhóm đi tuần của Pháp nhòm ngó. Những toán lính có thể tùy tiện khám xét, bắt giữ và giết bất cứ ai chúng tin là cộng sản hoặc có cảm tình với cộng sản. Để tránh nguy hiểm, nhiều khi Cụ Hồ và mọi người phải lội qua suối Lenin, trèo lên mặt đá lởm chởm của quả đồi cho đến khi đu người lên đỉnh của một hòn đá rất dốc với một cái thang kết bằng dây rừng.
 

"Mọi thứ đều vì nhân dân, mọi thứ là của nhân dân, nhân dân đầu tiên rồi mới đến súng. Nếu chúng ta được nhân dân ủng hộ thì chúng ta sẽ có súng. Nếu chúng ta có nhân dân, chúng ta sẽ có mọi thứ”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau những giờ làm việc, Cụ Hồ cùng các đồng chí chỉ đủ thời gian cho bữa ăn đạm bạc gồm một ít cơm với một miếng thịt mặn hoặc con cá bắt được dưới suối. Nhiều khi ăn ngô hoặc cháo ngô và thân cây chuối cả tháng trời.

Buổi tối họ ngủ trên giường làm bằng cành cây, đầu gối lên những gối gỗ. Vào những buổi tối trời quá lạnh, không ngủ được, họ ra khỏi gường và nhóm lửa, ngồi xung quanh ngọn lửa để sưởi đến khi trời sáng.

Chính trong một đêm như thế, Cụ Hồ đã nói với ông Võ Nguyên Giáp và mọi người: “Khoảng 5 năm nữa, cách mạng sẽ thắng lợi và chúng ta sẽ có một tương lai tươi sáng. Tôi chỉ muốn làm một điều, đó là giải phóng hoàn toàn đất nước ta và mang lại cho người dân những thứ cần thiết cho cuộc sống”.

Trước những vấn đề phức tạp làm các đồng chí bối rối, Cụ Hồ thường giải thích một cách hết sức đơn giản đến nỗi tất cả những người có mặt đều hiểu được. Như một hôm, một đồng chí hỏi: “Làm sao chúng ta có thể làm cách mạng mà không có vũ khí và chúng ta sẽ đi tìm súng ở đâu?”.


Cụ Hồ trả lời: “Chúng ta phải dựa vào sức mình với sự giúp đỡ từ bên ngoài. Khi nhân dân tiếp thu tư tưởng cách mạng tốt đẹp này, họ sẽ tạo nên sức mạnh ghê gớm. Mọi thứ đều vì nhân dân, mọi thứ là của nhân dân, nhân dân đầu tiên rồi mới đến súng. Nếu chúng ta được nhân dân ủng hộ thì chúng ta sẽ có súng. Nếu chúng ta có nhân dân, chúng ta sẽ có mọi thứ”.


Tháng 5/1941, Hội nghị mở rộng lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Pắc Bó. Dưới sự dẫn dắt của Cụ Hồ, Hội nghị đã bỏ phiếu rằng “giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách,… và phải chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”. Cụ Hồ khẳng định, có thể sử dụng dân chúng nông thôn làm cơ sở để tiến hành cách mạng. Cụ cũng tập trung được sự ủng hộ cần thiết để thành lập một phong trào thống nhất tất cả những người yêu nước, không phân biệt sức khỏe, tuổi tác, nam nữ, tôn giáo hoặc quan điểm chính trị để giải phóng đất nước mình.

Các đại biểu đã phê chuẩn tên Cụ Hồ chọn cho phong trào giải phóng này là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị còn khẳng định xây dựng các căn cứ du kích mới tại ba tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn để sau này làm trung tâm cho việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Việt Bắc.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dân tộc ít người tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dân tộc ít người tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960


“Nếu quân đội dựa vào dân thì địch sẽ không thể tiêu diệt được”


Chỉ trong thời gian ngắn, ảnh hưởng của Việt Minh ngày càng lớn mạnh và phát triển vững chắc về phía Nam. Công việc chuyển hóa một làng xã đi theo sự nghiệp cách mạng bắt đầu bằng cách để cán bộ chính trị được đào tạo đặc biệt đến thăm đồng bào và giải thích cho họ những điều họ chờ đợi. Ngày càng nhiều thanh niên đến tham gia các khóa huấn luyện chính trị, quân sự được tổ chức mỗi tháng một lần với con số mỗi lớp khoảng 50 người.

Trung tâm huấn luyện đặt tại khu rừng sâu nằm giữa hai huyện Hòa An và Nguyên Bình, với những nhà sàn dựng trên sườn núi, phòng lên lớp, phòng ăn, nhà ngủ, bãi tập đủ lớn để đồng thời phục vụ hàng trăm cán bộ. Sau đó, do nhu cầu tăng lên, Tướng Giáp đã cho tổ chức các đội huấn luyện cơ động. Ông cũng cho xây dựng các xưởng rèn nằm trong thung lũng sâu và sau nhiều tháng thử nghiệm đầy nguy hiểm, xưởng đã chế tạo được quả mìn bộ binh đầu tiên. Cho đến tháng 8/1945 thì xưởng rèn này phát triển thành công binh xưởng Lam Sơn, sản xuất được đa phần các loại đạn dược mà sau này bộ đội của Tướng Giáp sử dụng.


Cuối tháng 7/1944, trong bối cảnh Chính phủ Vichy của Pháp sụp đổ và phong trào cách mạng đang lên sau một thời gian bị “khủng bố trắng”, Liên khu ủy Cao - Bắc - Lạng đã quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang, thời điểm hành động là vào tháng 9, sau vụ thu hoạch. Lúc này, Cụ Hồ đang ở Trung Quốc sau hơn một năm bị Quốc dân đảng cầm tù, đã gửi thư về yêu cầu hoãn khởi nghĩa. Tháng 11, Cụ Hồ về nước. Ngày 19/11, sau khi nghe Liên Khu ủy báo cáo, Cụ lắc đầu: “Bây giờ chưa phải lúc làm việc đó. Quần chúng chưa phát triển hoàn toàn. Hành động chưa chín muồi sẽ chỉ làm cho sự nghiệp của chúng ta tổn thất”.


Chính đêm đó, trong cái lán lạnh lẽo không ánh sáng, gối đầu lên chiếc gối gỗ, Cụ Hồ đã phác thảo cho Tướng Giáp ý tưởng về một đội quân giải phóng, về tổ chức, khẩu hiệu và hoạt động của nó. Cụ nhấn mạnh, “nếu quân đội dựa vào dân thì địch sẽ không thể tiêu diệt được”. Cụ cũng khuyên người cách mạng phải “dĩ công vi thượng”, điều mà người chỉ vài năm sau trở thành đại tướng đầu tiên của quân đội Việt Nam không bao giờ quên.


17h chiều 22/12/1944, ông Giáp làm lễ kết nạp những đội viên ưu tú nhất của Trung đội Trần Hưng Đạo do chính ông lựa chọn, huấn luyện trước đó vào đội quân mà sau này trở thành Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đội quân này chỉ có 34 chiến sỹ, hai khẩu súng lục, 7 súng trường, 14 súng kíp và một súng máy nhẹ. Nhiệm vụ chính là dùng đấu tranh vũ trang để động viên và khích lệ nhân dân, phương châm là hoạt động chính trị quan trọng hơn hoạt động quân sự. Chỉ hai ngày sau khi thành lập, đã đánh thắng trong các trận Phai Khắt, Nà Ngần. 


Khi biết tin quân Nhật đã sụp đổ, Cụ Hồ triệu tập hội nghị toàn Đảng vào ngày 13/8/1945. Các đại biểu quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, ông Giáp ra lệnh cho đội quân của mình, lúc này đã mang tên gọi Giải phóng quân và gồm nhiều đại đội, đánh chiếm Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội. Từ ngày 19 - 30/8, Việt Minh nổi dậy nắm chính quyền từ Sông Hồng đến châu thổ sông Mê Kông.

Nguyễn Đăng Song

(lược trích)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.