Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Chuyện dọc đường

Sữa giả lọt bệnh viện và dấu hỏi đạo đức, trách nhiệm

Sữa giả lọt bệnh viện và dấu hỏi đạo đức, trách nhiệm

19/04/2025, 07:52

Diễn biến vụ sữa giả không dừng ở nhóm doanh nghiệp, đối tượng phạm tội. Vụ việc đặt ra dấu hỏi lớn về đạo đức và trách nhiệm của ngành y tế - từ hậu kiểm lỏng lẻo đến vai trò của bệnh viện như một kênh phân phối đầy quyền lực.

Hai mươi năm về trước, trong khi tôi còn chật vật xoay xở với đồng lương phóng viên eo hẹp thì một người bạn học cũ của tôi đã mua nhà, sắm xe hơi sau vài năm trở thành trình dược viên cho một hãng sữa công thức ngoại nhập.

Với sản phẩm dành cho bà bầu, trẻ sơ sinh, thị trường chủ yếu bạn tôi nhắm đến là các bệnh viện sản và nhi. Bạn kể, tại một số bệnh viện nơi đã thiết lập được kênh phân phối, các y, bác sỹ tại đây nhiều khi "tranh nhau đi trực", bởi hoa hồng bán sữa sau vài ca, có khi bằng lương cả tháng.

Sữa giả lọt bệnh viện và dấu hỏi đạo đức, trách nhiệm- Ảnh 1.

Nếu cơ quan công an không phanh phui kịp thời, rất có thể sữa giả còn len lỏi vào nhiều bệnh viện khác ngoài Bệnh viện 108 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh CAND.

Hiện nay, trình dược sữa vẫn là một nghề "hot" và các bệnh viện vẫn là một kênh phân phối sữa "hái ra tiền".

Theo báo cáo của Bộ Công thương, quy mô thị trường sữa Việt Nam ước đạt 8-8,5 tỷ USD trong năm nay. Chiếm tỷ lệ 30-35% thị trường, sữa công thức phần lớn là các sản phẩm dành cho trẻ em từ 0-36 tháng tuổi, bà bầu, người cao tuổi, người bệnh.

Đó cũng là lý do các hãng sữa lựa chọn bệnh viện làm "thị trường chiến lược" bởi với những đối tượng tiêu dùng đặc thù kể trên thì khuyến nghị từ bác sỹ, nhân viên y tế đặc biệt có sức nặng.

Bởi vậy, người tiêu dùng không khỏi choáng váng trước thông tin sữa giả Hofumil Gold Plus "lọt" vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hay sữa giả Hapomil cung cấp cho bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Được quảng cáo chứa đông trùng hạ thảo, tổ yến, song thực tế chỉ có giá trị dinh dưỡng bằng một bát cháo loãng, 2 loại sữa giả này vẫn được tư vấn cho trẻ sơ sinh, bệnh nhân ung thư tại 2 bệnh viện đầu ngành và đầu tỉnh. Và rất có thể, số lượng các cơ sở y tế bị phát hiện có sữa giả cung cấp cho bệnh nhân, sẽ không dừng ở con số 2.

Cả hai bệnh viện nói trên đến nay cho biết đã nhanh chóng thu hồi và hoàn tiền cho bệnh nhân. Nhưng một câu hỏi vẫn treo lơ lửng: Làm thế nào mà một sản phẩm giả, thành phần chỉ là bột gạo, sữa bột kém chất lượng và phụ gia, lại vượt qua quy trình đấu thầu nghiêm ngặt?

Hồ sơ đấu thầu đầy đủ giấy phép, phiếu kiểm nghiệm, chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý. Nhưng sau khi trúng thầu, chất lượng thực tế của sản phẩm chưa một lần được "sờ" đến.

Và liệu có yếu tố nào khác – từ năng lực cán bộ đến sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý – đã tạo khe hở cho sữa giả lọt vào hệ thống phân phối được hoàn toàn tin cậy này?

Bệnh viện không chỉ là nạn nhân như lời của Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Lê Hữu Song. Đây là kênh phân phối "vàng" của ngành sữa công thức.

Lời khuyên của bác sĩ, y tá, được củng cố bởi uy tín y khoa, trở thành công cụ tiếp thị mạnh mẽ. Nhưng khi lời khuyên ấy bị chi phối bởi hoa hồng hấp dẫn thì cũng có nghĩa niềm tin của bệnh nhân có nguy cơ bị lợi dụng. Liệu ngành y tế có thể khẳng định rằng mọi bác sĩ, y tá đều vô tư khi giới thiệu sữa công thức?

Vụ sữa giả tại Việt Nam làm dư luận gợi nhớ về bê bối sữa nhiễm melamine (một hóa chất độc hại được thêm vào để giả mạo hàm lượng protein) năm 2008 tại Trung Quốc, khiến cho 54.000 trẻ em nhập viện, 6 trẻ tử vong, và 294.000 trẻ bị ảnh hưởng.

Công ty Sanlu, thủ phạm chính, đã qua mặt kiểm định bằng cách nộp mẫu đạt chuẩn, trong khi các lô sản xuất chứa melamine không bị phát hiện do hậu kiểm yếu kém.

Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ: Hai kẻ chủ mưu bị tử hình, hàng loạt quan chức bị sa thải, và luật an toàn thực phẩm được siết chặt với các biện pháp hậu kiểm nghiêm ngặt, bao gồm lấy mẫu ngẫu nhiên và kiểm tra cơ sở sản xuất định kỳ. Đến năm 2025, Trung Quốc đã giảm đáng kể các vụ sữa giả nhờ hệ thống giám sát liên ngành và công khai danh sách vi phạm.

Bài học từ Trung Quốc cho Việt Nam là rõ ràng: Hậu kiểm lỏng lẻo là cánh cửa để sữa giả lộng hành. Nếu không có biện pháp mạnh tay, từ kiểm tra thực tế đến xử lý nghiêm minh, Việt Nam có nguy cơ lặp lại những hậu quả tương tự, đặc biệt với các đối tượng dễ tổn thương như trẻ sơ sinh, bà bầu, và bệnh nhân.

Vụ sữa giả là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, đồng thời cũng là dịp để chúng ta nhìn lại về cách người Việt tiêu thụ sữa công thức. Việt Nam nằm trong số các thị trường tiêu thụ sữa công thức lớn nhất thế giới và Đông Nam Á (23-31 USD/người/năm so với trung bình thế giới là 6,8 USD/người/năm; Trung Quốc 14-15 USD/người/năm).

Trong khi Nhật Bản hay châu Âu, nơi nuôi con bằng sữa mẹ được ưu tiên và quảng cáo sữa công thức bị hạn chế, Việt Nam lại để các hãng sữa tự do chi phối thị trường, đặc biệt qua kênh y tế.

Theo WHO, doanh số sữa công thức toàn cầu đạt 55 tỷ USD mỗi năm, nhưng tại các nước như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 121,5% từ 2005-2019, vượt xa mức tăng 20% của tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.

Việc phụ thuộc vào sữa công thức, đôi khi được quảng bá như "thần dược" cho sức khỏe, đã che mờ thực tế: Một chế độ dinh dưỡng khoa học từ thực phẩm tự nhiên hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng mà không cần lạm dụng sữa. Sữa giả, với hậu quả gây suy dinh dưỡng hoặc làm nặng thêm bệnh lý, là minh chứng đau lòng cho sự dễ dãi trong quản lý và tư duy sai lầm về dinh dưỡng.

Để ngăn chặn sữa giả và quản lý thị trường sữa công thức, đặc biệt là sữa vi chất, Việt Nam cần hành động quyết liệt với một chiến lược xuyên suốt như là siết chặt hậu kiểm thực chất. Theo đó, cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 15/2018, bắt buộc hậu kiểm thực tế sản phẩm và cơ sở sản xuất, lấy mẫu ngẫu nhiên từ thị trường và kiểm tra định kỳ tại nhà máy, ưu tiên sữa cho trẻ sơ sinh, bà bầu, và người bệnh.

Cùng đó, cần cải cách đấu thầu và giám sát bệnh viện. Đối với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, sữa, cần kiểm nghiệm độc lập sản phẩm trúng thầu bởi cơ quan thứ ba, trước khi đưa vào bệnh viện; Công khai danh sách sản phẩm trúng thầu và kết quả kiểm nghiệm trên cổng thông tin bệnh viện.

Một việc cũng quan trọng không kém là cần hạn chế, thậm chí cấm các hãng sữa tiếp xúc trực tiếp với nhân viên y tế để quảng bá sản phẩm, theo khuyến nghị của WHO. Giám sát chặt các cửa hàng gần bệnh viện và kênh phân phối y tế, xử lý nghiêm bác sĩ, y tá nhận hoa hồng bất hợp pháp…

Khoảng trống trách nhiệm từ vụ sữa giả, kẹo KeraKhoảng trống trách nhiệm từ vụ sữa giả, kẹo Kera

Sau khi đường dây sữa giả quy mô khủng bị phanh phui, xâu chuỗi lại vụ kẹo rau củ Kera trước đó, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm cũng như hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của những cơ quan liên quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.