Nhiều luật liên quan đến bất động sản không còn phù hợp
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, bất động sản là một ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác.
Bất động sản chịu sự tác động, điều tiết của 12 Luật khác nhau, trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn cung bất động sản vừa qua là vấn đề về pháp lý. (Ảnh minh hoạ)
Ông Hiệp cho rằng muốn bất động sản phát triển trở lại để làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế thì phải cải tổ hệ thống luật pháp thật hoàn chỉnh.
Cụ thể, để giải quyết những ách tắc trước mắt cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề ở Nghị định 30. Việc chuyển đổi sử dụng đất khác sang đất ở đang vướng mắc nên khi vấn đề này được sửa đổi sẽ có nguồn cung lớn hơn cho thị trường.
“Đây không phải là một doanh nghiệp mà là toàn bộ doanh nghiệp mong muốn sửa đổi vấn đề này”, ông Hiệp cho biết.
Về tiền đền bù cho dân, tiền sử dụng đất, hai vấn đề này đang được gộp lại. Trong khi đó, hệ số đền bù giữa các tỉnh là khác nhau nên người nông dân ở các tỉnh nhận đền bù cũng khác nhau. Vì vậy, gần như người dân không hài lòng và rất khó khăn khi đền bù.
Do đó, theo ông Hiệp cần nâng giá đền bù đất lúa lên để dân thoả đáng. Ngoài ra, cơ chế cưỡng chế cũng cần đẩy mạnh.
“Quy trình thu hồi đất là trên 100 bước, cực kỳ dài dòng khiến doanh nghiệp rất khó khăn, dẫn đến ách tắc trong việc triển khai dự án. Vì vậy, rất cần phải khắc phục điều này sớm”, Chủ tịch GP Invest nói.
Về Luật nhà ở, việc quy định 20% đất ở làm nhà ở xã hội tại các dự án cũng chưa có sự thống nhất. Nhiều dự án cho đền bù bằng tiền, nhiều dự án lại phải cắt đất. Ngoài ra, việc đặt một khu nhà ở xã hội bên nhà ở thương mại sẽ có sự chênh lệch hạ tầng, văn hoá, tiện ích.
Vì vậy, 20% này nên thay bằng việc thu tiền và quy hoạch thành một khu nhà ở xã hội riêng. Đối với công nhân nên ưu tiên cho thuê hoặc xây nhà lắp ghép gần các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản, cho rằng thị trường bất động sản nhà ở đang vướng mắc về pháp lý dự án qua thanh tra, kiểm tra. Đối với bất động sản du lịch, vướng mắc chính ở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Qua phân tích cho thấy, điểm nghẽn trong hành lang pháp lý, khâu tổ chức thi hành các quy định của pháp luật là nguyên nhân căn bản làm hạn chế sự phát triển bình thường ở thị trường bất động sản, làm cho giá bất động sản tăng cao, gây bất bình trong xã hội.
Điểm nghẽn pháp lý làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế - xã hội quốc gia khi nguồn lực lớn bị “đóng băng” ở các tài sản bất động sản đã hình thành nhưng không được đưa vào lưu thông sử dụng và nguồn vốn lớn đầu tư cho lĩnh vực này không được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.
Theo ông Lập, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh rất rộng, chịu sự chi phối, điều chỉnh của hàng chục bộ luật, luật chuyên ngành khác nhau và có đến hàng trăm nghị định và thông tư hướng dẫn đi kèm.
Trong thời gian qua, nhiều luật quan trọng điều chỉnh trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bất động sản như Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã bị xem như lỗi thời, không còn phù hợp trong bối cảnh phát triển hiện tại của thị trường...
Lập kế hoạch sửa đổi Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường bất động sản, trong nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ thống nhất xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Về đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan...
Đối với đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ cũng khẳng định về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản theo cơ chế thị trường.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, tránh phát sinh thủ tục, chi phí cho giao dịch bất động sản, trong đó lưu ý đánh giá kỹ về các điều kiện kinh doanh, giao dịch qua sàn, môi giới bất động sản, tín dụng, thuế, phí,… để điều tiết thị trường, tránh tạo thêm thủ tục, trung gian, ảnh hưởng tới quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, quyền sở hữu của người dân đã được pháp luật bảo hộ, tạo lập khung khổ pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định...
Về tiến độ thực hiện, Chính phủ giao Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 Luật sửa đổi nêu trên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10/2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận