Hàng hải

Sửa nhiều quy định về đăng ký tàu biển

02/09/2024, 16:07

Bộ GTVT đề xuất sửa đổi các thành phần hồ sơ đề nghị đăng ký, xóa đăng ký tàu biển, cùng các hình thức nộp hồ sơ thủ tục hành chính để phù hợp với quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2016 của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 86/2020), Bộ GTVT đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan tới thủ tục hành chính trong đăng ký, xoá đăng ký tàu biển.

Sửa nhiều quy định về đăng ký tàu biển- Ảnh 1.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển sửa nhiều quy định về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ).

Cụ thể, dự thảo đề xuất trong việc thực hiện thủ tục hành chính đăng ký, xóa đăng ký tàu biển, chấp nhận bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính.

Cùng đó, bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và nộp lệ phí qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, bỏ thành phần hồ sơ là CCCD, Chứng minh nhân dân đối với chủ tàu là cá nhân.

Điều này nhằm phù với chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp, giảm chi phí đi lại cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Theo Bộ GTVT, hiện các thủ tục hành chính về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển đã được cung cấp dịch vụ công mức độ 4 thông qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia trên toàn quốc (theo quy định mới là dịch vụ công toàn trình) đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, yêu cầu về thành phần hồ sơ về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển phải nộp và các hình thức nộp hồ sơ chưa phù hợp để cá nhân, tổ chức có thể thực hiện được theo Dịch vụ công mức độ 4.

Cục Hàng hải VN cũng đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng hải, báo cáo Bộ GTVT để đề xuất giảm thành phần hồ sơ, thay thế các trường thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân khai báo lại các thông tin đã có trên CSDL quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, sau khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo luật Giao dịch điện tử năm 2023, Cục Hàng hải VN cho rằng quy định về Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. 

Các thành phần hồ sơ đề nghị đăng ký, xóa đăng ký tàu biển, cùng các hình thức nộp hồ sơ thủ tục hành chính cần được sửa đổi để phù hợp với quy định tại Nghị định số 45/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đáng chú ý, trong hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển hoặc đăng ký tàu biển có thời hạn, hay đăng ký tàu biển đang đóng, dự thảo Nghị định đề xuất bỏ thành phần hồ sơ là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hiện nay các thông tin liên quan đến đăng ký doanh nghiệp cơ quan nhà nước có thế tự tra cứu được từ CSDL quốc gia về doanh nghiệp.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi về cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam. Theo đó, ngoài Cục Hàng hải VN thực hiện chức năng của cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam, các chi cục hàng hải, cảng vụ hàng hải sẽ thực hiện nhiệm vụ đăng ký tàu biển theo ủy quyền của Cục Hàng hải VN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.