Mặt đường đã xuất hiện rất nhiều vết nứt rộng và dài
Đường vào thôn Yên Phú, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) được nối từ đường Hồ Chí Minh, từ thôn Liêm Hóa 1 có kết cấu bê tông xi măng rộng 3,5m, dài gần 1km.
Trong thời chiến tranh gọi là đường 47 đi vào kho vũ khí của Quân khu 4. Đến nay, đây là tuyến đường chính vào phục vụ đi lại của gần 200 hộ dân thôn Yên Phú và 2 điểm tham quan: Hang Rục, hồ Yên Phú.
Đợt lũ tháng 10/2020, suối Do thay đổi dòng chảy ngay đoạn Tam Dài gây sạt lở đất canh tác của người dân một đoạn dài gần 400m, sâu khoảng hơn 5m (khoảng 15ha đất canh tác). Điểm sạt lở cách đường 47 khoảng 1m, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt rộng hơn 10cm, dài khoảng 20m, nguy cơ đứt đường, tai nạn rình rập.
Trên tuyến đường này, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá đông, gồm phương tiện chở khách tham quan, người và phương tiện đi làm đồng, xe chở hàng hóa…
Đặc biệt, giờ tan tầm, học sinh trường Tiểu học số 1 Trung Hóa và trường Mầm non số 1 Trung Hóa cùng phụ huynh đi lại rất đông. Mặc dù hai đầu điểm sạt lở, chính quyền đã cắm biển cảnh báo “Đường sạt lở, cấm các phương tiện qua lại” thế nhưng do là tuyến đường chính nên người dân đành “liều” đi qua.
Ông Cao Xuân Lục (60 tuổi, thôn Liêm Hóa 1) cho hay: “Dòng suối Do ngày xưa chảy cách đường 47 mấy chục mét, nhưng vì đợt lũ ống vừa qua đã phá hết đất canh tác và lấn sâu đến mép đường (cách khoảng 1m). Tháng 8 là mùa mưa, có thể nước chảy xói vào làm đứt con đường này”.
Ông Cao Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa cho biết, người dân nhiều lần kiến nghị, xã cũng đã kiến nghị lên huyện nhưng đến nay tuyến đường chưa được đầu tư sửa chữa.
“Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là sớm được đầu tư sửa chữa, nắn dòng chảy của suối Do hoặc có phương án làm bờ kè để bảo về đất canh tác, bảo vệ đường cho người dân đi lại an toàn”, ông Dương nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, suối Do chảy từ trên thượng nguồn xuống các địa phương thấp trũng thuộc vùng “rốn lũ”, hàng năm phá lở dần đất của người dân dọc hai bên suối.
Tuy nhiên, đợt lũ vừa qua lưu lượng nước quá lớn, nước chảy không kịp nên đã thay đổi dòng phá lở nhiều hecta đất và lấn sâu giáp đường đi, nguy cơ đường bị sạt lở, gây mất ATGT.
“Minh Hóa là huyện thuần nông, ngân sách eo hẹp nên việc bố trí kinh phí để khơi thông dòng chảy trả về vị trí cũ hoặc phương án làm bờ kè bảo vệ tuyến đường là quá lớn, huyện không có khả năng”, ông Việt nói và mong muốn được tỉnh hỗ trợ để địa phương sớm có kinh phí chống sạt lở, giúp người dân bớt phải mất đất thêm và đi lại an toàn hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận