Thị trường

Tắc dài ở cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bộ Công thương, NN&PTNT lên tiếng

15/12/2021, 10:00

Bộ Công thương, NN&PTNT lên tiếng về việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dịch Covid-19, hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại cửa khẩu.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ngay sau khi nắm tình hình tắc nghẽn ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bộ đã trao đổi với phía Trung Quốc về các quy định thông quan.

Tuy nhiên, hiện nay, điều khó khăn là nhân lực để chuyển và bốc vác hàng phía nước này đang khan hiếm do thiếu hụt số nhân công từ Việt Nam sang bốc hàng thuê dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa rất chậm.

Thông tin thêm về tình hình, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “Zero Covid-19” nên việc kiểm tra hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài hiện rất chặt.

img

Lượng xe container xuất khẩu hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu TP. Móng Cái tăng đột biến

Các xe hàng khi vận chuyển từ các tỉnh đến cửa khẩu phải chuyển sang xe chở hàng của phía Trung Quốc để chuyển cho các đối tác.

Việc vận chuyển thêm khó khăn khi nước này cũng tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, sâu bệnh dịch hại trên hoa quả…

Còn ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) chia sẻ với PV Báo Giao thông, nguyên nhân ùn tắc chính là do DN phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch. Việc vận chuyển hàng thực hiện qua các cửa khẩu nhỏ, đường mòn lối mở.

Trong khi, một mặt, hiện những điểm giao hàng này đang siết chặt; Mặt khác, năng lực giao hàng thấp nhưng lượng hàng về gấp nhiều lần cửa khẩu quốc tế.

Do đó, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc chưa thể giải quyết dứt điểm được trong trước mắt, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Giải pháp nào?

Được biết, tổng lượng xe tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến sáng ngày 13/12/2021 là 4.304 xe (trong đó: cửa khẩu Hữu Nghị 1.083 xe, cửa khẩu Chi Ma 747 xe, cửa khẩu Tân Thanh 2474 xe). Chủ yếu là nông sản từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Tiền Giang và Bình Định.

Hiện, lượng xe container xuất khẩu hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cũng tăng đột biến, mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn xe "mắc kẹt"...

Bàn về giải pháp, theo ông Hòa, trước khi xuất sang Trung Quốc, DN cần cẩn trọng về chất lượng, tránh trường hợp cơ quan chức năng nước này kiểm tra vi phạm quy định của họ và trả hàng về.

Trong bối cảnh nhiều loại trái cây sắp đến vụ thu hoạch, bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương, DN mở rộng thị trường, tránh rủi ro khi chờ thông quan.

Đồng thời, đối với thị trường trong nước, cần tăng cường bán hàng qua sàn thương mại điện tử, tổ chức kết nối tiêu thụ giữa các địa phương.

“Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ, ngành thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước thuộc ASEAN; Peru, Úc, Mỹ, Nga, Séc…”, ông Hòa cho biết.

Chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…) là giải pháp mà Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, sẽ bền vững nhất.

Theo ông Sơn, trước mắt, các đơn vị cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài khi hiệu lực mới bắt đầu từ 1/1/2022...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.