Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNV VN) trả lời về những góp ý thẳng thắn cho rằng HNV VN ngày càng vắng bóng tác giả, tác phẩm best-seller (bán chạy nhất) trước thềm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 (ngày rằm tháng Giêng).
Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông nghĩ sao về thực trạng sách best-seller lại thuộc về các cây viết trẻ. Trong khi đó các nhà văn thuộc HNV VN chỉ xuất bản sách bằng tiền ngân sách và xuất bản cũng nhỏ giọt?
Có những nhà văn có tên tuổi nhưng chỉ thuộc về một thời chứ không thuộc về một thời khác. Cũng như có những cuốn sách trước kia mọi người đều tìm đọc nhưng ngày nay người ta không đọc nữa. Hầu hết các tác giả trẻ mà bạn nói tới cũng sẽ ở trong tình trạng đó.
Sách họ được đọc một lần và người đọc là thế hệ họ và thời của họ. 20 năm nữa sẽ khó có thể có người đọc. Chúng ta có rất ít các nhà văn mà tác phẩm của họ có sức sống xuyên thời gian. Điều này là vì chúng ta chưa có những nhà văn lớn thực sự.
Nhưng rõ ràng trên kệ sách hàng năm chỉ có đôi ba tác giả thuộc HNV VN có tác phẩm “chạm” được đến độc giả. Có hay không sự “lười vận động” của chính người viết của Hội khi họ không thấu hiểu tâm lý bạn đọc cũng như đời sống thực tại đang biến chuyển từng ngày?
Nếu nhà văn chỉ tìm hiểu tâm lý của bạn đọc rồi viết cho ý thích của họ thì nó sẽ biến nhà văn thành một trong hai loại: Nhà văn thị trường hoặc là nhà văn viết loạn lên, vì tâm lý bạn đọc thường xuyên thay đổi.
Chúng ta đều biết rất rõ hiện nay sách ngôn tình là loại sách bán chạy nhất, nhưng loại sách này sẽ chẳng bao giờ làm nên giá trị thực sự cho văn học. Ngay những tác phẩm được giải Nobel hàng năm được dịch tốt và in đẹp ở Việt Nam nhưng số lượng bán cũng thua xa một cuốn sách ngôn tình.
Đó có phải do người đọc bị “xâm lăng văn hóa” nên những cuốn ngôn tình hay best-seller có hàm lượng văn chương thấp, thưa ông?
Nền văn hóa là những giá trị của một dân tộc nhưng mang tính nhân loại, cho nên lấy lý do cho những thứ kém giá trị hoặc không có giá trị là do một nền văn hóa khác là phi lý và sai lầm.
Hầu hết các thói xấu của người Việt đương đại là do chính người Việt đẻ ra chứ đâu phải do nền văn hóa khác. Trộm cắp, nói dối, không chấp hành luật pháp, phá hoại thiên nhiên, bất hiếu với cha mẹ, chạy quyền chạy chức... là do chính giáo dục của chúng ta chứ đâu phải do một nền văn hóa khác.
Nhưng người viết hiện nay có ý thức với xã hội ở mọi đề tài nên giọng văn mới mẻ. Chỉ có điều người viết vẫn chưa thực sự dấn thân một cách quyết liệt cho con đường sáng tạo. Vì sáng tạo chỉ có một con đường: Sống đến tận cùng và viết đến tận cùng, mọi sự nửa vời không sinh ra điều gì cả.
Cảm ơn ông!
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học: Nếu nói đúng, nói thẳng, nói thật ra thì thực chất, nhà quản lý có tư tưởng rất chung chung, cứ nói rằng phải tích cực gắn bó với cuộc sống. Vậy mà khi các tác phẩm ra đời, người quản lý không những thiếu mà còn gần như không có khả năng thẩm định tác phẩm. Nhà văn - Biên tập viên Trương Quý: Tùy vào cách nhìn nhận của các tác giả nên việc họ chọn vào hội hay không là sự lựa chọn của họ. Bản thân Hội nhà văn (HNV) cũng còn một số bất cập và cổ hủ chính vì vậy mà nhiều nhà văn trẻ chọn cách tự sản xuất mà không có sự giúp đỡ hay bảo trợ nào. Bà Thủy Anna - PGĐ Limbook: Càng thế hệ sau này, rất nhiều người cảm thấy “ngại” vào HNV. Tham gia vào HNV bây giờ cũng không phải là quá khó đối với một tác giả. Nhưng vào để làm gì, có quyền lợi gì khi là hội viên HNV? Có viết hay hơn không, có trở nên nổi tiếng hơn không nhờ cái mác nhà văn? Hoàn toàn là không! Nên vấn đề này không phải là thứ mà tác giả trẻ quan tâm. Thứ họ quan tâm là số lượng sách họ bán được bao nhiêu, nhuận bút như thế nào, số lượng fan có tăng lên sau mỗi lần ra sách không. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận