Giao thông

Tắc thủ tục đổ bùn, nhiều cảng lớn “mắc cạn”: Doanh nghiệp lao đao

01/12/2017, 14:51

Các quy định về đổ thải rất khắt khe, các dự án nạo vét "đóng cửa', doanh nghiệp, địa phương vô cùng lo lắng...

6

Theo cách tính quy chuẩn của ngành hàng hải, luồng hàng hải giảm 10cm sẽ mất đi 300 tấn tải trọng trên tàu (Trong ảnh: Thi công nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng) - Ảnh: Võ Thái Bình

Thủ tục đổ thải như đánh đố

Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, các quy định pháp luật không cấm hoạt động đổ thải trong quá trình nạo vét luồng đổ ra vùng biển nhưng lại đưa ra những yêu cầu quá khắt khe tới mức khó đơn vị nào có thể thực hiện được. Nếu trước đây, các đơn vị thực hiện duy tu, nạo vét luồng hàng hải phải thực hiện các thủ tục như xin giấy phép điểm đổ thải, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, nay phải thêm 2 thủ tục là hồ sơ thủ tục nhận chìm và giấy phép giao khu vực biển để sử dụng.

“Chẳng hạn yêu cầu phải nghiên cứu xem ở dưới vùng biển đó có những loài thủy sinh gì, lập hồ sơ đánh giá… Muốn làm được như vậy phải có các nhà khoa học lặn xuống biển nghiên cứu và có thể mất hàng năm, thậm chí lâu hơn”, ông Đức nói và cho biết, tới thời điểm này, kế hoạch nạo vét năm 2017 đã không thực hiện được dẫn tới luồng hàng hải Hải Phòng không đạt chuẩn tắc thiết kế. Hồ sơ điểm đổ thải ngoài vùng biển tới nay vẫn tắc nên Cục Hàng hải VN đã yêu cầu tìm điểm đổ thải trên bờ”.

"Hiện việc nạo vét, duy tu tại tất cả các luồng hàng hải do tổng công ty đảm nhiệm đều gặp khó khăn về điểm đổ thải do quy định về điểm đổ thải ngoài biển quá khắt khe. Chúng tôi không thể xin được hồ sơ đánh giá tác động môi trường, giấy phép nhận chìm và giấy phép giao khu vực biển."

Ông Dương Ngọc Đức
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng về việc quy hoạch các vị trí đổ bùn đất nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng, từ ngày 17/3/2016, Sở Xây dựng có Văn bản số 458 đề xuất 7 vị trí quy hoạch đổ vật liệu nạo vét, trong đó có 5 vị trí ven bờ. Tuy nhiên, các điểm đổ thải này chỉ đáp ứng được việc tiếp nhận bùn thải trong vài tháng sẽ đầy. Mặt khác, khu vực ven bờ vùng biển Hải Phòng cũng không còn điểm đổ thải.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nghiêm Viết Hải, cán bộ Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) cho biết, ngày 15/9/2017, đơn vị này mới chính thức nhận được Hồ sơ Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng 2017 do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc gửi về.

“Khi xem xét phương án đổ thải ra biển, hội đồng thẩm định phát hiện chủ dự án chưa đánh giá tác động môi trường tại vị trí biển đổ thải trong khi khối lượng nạo vét lên tới hơn 1 triệu m3. Hơn nữa, nơi dự kiến đổ lại là vùng biển khá nhạy cảm gần nhiều khu sinh cảnh. Vì vậy, Hội đồng quyết định sẽ xem xét lại khi chủ dự án hoàn thiện hồ sơ. Lần gần nhất chủ dự án lại gửi lại văn bản thay đổi phương án đổ thải lên bờ. Với phương án này cũng phải đánh giá tác động tại điểm đổ thải, chiếm đất, ảnh hưởng dân cư xung quanh ra sao?”, ông Hải dẫn giải và cho biết, có thể trong đầu tháng 12 tới, khi chủ dự án hoàn thiện hồ sơ ĐTM, hội đồng thẩm định sẽ tổ chức họp lại để xem xét.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng thừa nhận, quá trình duy tu luồng hàng hải xuất gặp nhiều khó khăn vướng mắc từ khi triển khai Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo; Luật Biển Việt Nam và các nghị định liên quan.

“Theo luật, tất cả các hoạt động nhận chìm đều phải làm hồ sơ ĐTM. Theo đó, quy trình khảo sát chỗ nạo vét, nơi đổ thải, lấy số liệu quan trắc theo mùa… cho tới làm mô hình đổ thử có gây ảnh hưởng hệ sinh thái rặng san hô, sự vận chuyển các chất lơ lửng của bùn có ảnh hưởng như thế nào… Tùy từng vị trí, để hoàn tất hồ sơ ĐTM có những dự án mất khoảng 2 năm”, ông Tùng phân tích và đề xuất: “Trước những quy định vướng mắc trên, Bộ GTVT nên có ý kiến chính thức để các hoạt động nạo vét hàng hải, kênh rạch ở cấp độ nào đó phải được diễn ra bình thường; chứ không thể giải quyết theo kiểu kêu cứu cho từng dự án một”.

Doanh nghiệp lao đao

Trong khi các dự án nạo vét không thể triển khai, các cảng và doanh nghiệp, hãng tàu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do luồng hạn chế. Ông Nguyễn Trí Quân, Trưởng đại diện hãng tàu NYK (Nhật Bản) tại Hải Phòng chia sẻ: “Theo kế hoạch, năm 2017 chúng tôi điều động nhiều tàu lớn cập cảng Hải Phòng làm hàng. Tuy nhiên, trong tình trạng luồng không đảm bảo chuẩn tắc thiết kế, chúng tôi phải thay đổi đưa các loại tàu cỡ trung bình 1.200 TEW. Để đảm bảo an toàn, hãng chỉ dám xếp 800 TEW hàng trên mỗi tàu, thế nhưng các tàu nhiều khi vẫn phải neo đậu ở ngoài, chờ thủy triều lên mới dám đưa tàu vào cảng. Những điều này ảnh hưởng rất lớn, làm phát sinh chi phí rất cao tới hãng tàu chúng tôi”.

Từ tháng 2/2017 đến nay, Công ty CP Cảng Hải Phòng đã có nhiều văn bản gửi UBND TP Hải Phòng, Cục Hàng hải đề nghị quan tâm đôn đốc các cơ quan chức năng duy tu, nạo vét để cốt luồng trở lại -7m như trước. Các DN cảng biển khác như Công ty CP cảng Nam Hải - Đình Vũ; Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam; Công ty CP Cảng xanh Vip…) cũng lần lượt có hàng chục văn bản gửi các cơ quan chức năng “kêu cứu”.

Ông Nguyễn Đức Hà, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, luồng lạch tại cảng Cửa Việt bị tắc ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, doanh nghiệp “sốt ruột” vì không thể vận chuyển hàng bằng tàu lớn trong khi quá trình nạo vét lại chậm trễ. Vì vậy, các cấp chức năng của tỉnh Quảng Trị cùng các đơn vị kinh doanh tha thiết mong muốn luồng lạch tại Cửa Việt được triển khai nạo vét, khơi thông sớm, được quan tâm, đầu tư nhiều hơn để hoạt động buôn bán, trao đổi được tập trung và đạt hiệu suất cao.

Ông Phạm Hồng Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng chia sẻ, theo tính toán quy chuẩn của ngành hàng hải, luồng hàng hải cứ giảm đi 10cm sẽ mất đi 300 tấn tải trọng trên tàu. Luồng hàng hải Hải Phòng giờ đã nông hơn 70cm so với chuẩn tắc thiết kế, đồng nghĩa với việc mất đi 2.100 tấn, khiến lượng hàng hóa trên mỗi chuyến tàu, giảm từ 10 - tới 15% khả năng chuyên chở trên tàu. “Nếu luồng hàng hải không được nạo vét kịp thời sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu, doanh nghiệp logistics… lao đao, ảnh hưởng lớn tới việc lưu thông hàng hóa và lợi thế cạnh tranh kinh tế của các cảng biển Việt Nam”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.