Xã hội

Tách Luật Giao thông đường bộ: Nên lấy ý kiến Quốc hội

13/11/2020, 16:00

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần lấy ý kiến của đại biểu về việc đồng ý hay không việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự thảo luật.

img
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trao đổi cùng đại biểu Lê Thanh Vân bên hành lang Quốc hội

Băn khoăn về trình tự thủ tục lập pháp

Nêu quan điểm về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Hải Dương) cho biết, nhiều đại biểu rất băn khoăn về thủ tục lập pháp của dự thảo.

“Các đại biểu thắc mắc thủ tục đưa dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ vào chương trình kỳ họp này. Nhiều đại biểu bất ngờ vì thấy chương trình kỳ họp có dự án luật này”, đại biểu Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích, theo quy định việc bổ sung xây dựng luật, pháp lệnh phải tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thẩm quyền đó thuộc về Quốc hội.

Quốc hội đã thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2020 thì việc bổ sung Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ vào chương trình phải thông qua Quốc hội.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan có quyền sáng kiến lập pháp để sửa đổi chương trình luật pháp lệnh, nhưng tình huống sửa đổi được quy định rất rõ ràng.

Theo đó, có 3 tình huống Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình sửa đổi bổ sung pháp lệnh của Quốc hội. Một là, các vấn đề có tính cấp bách đến kinh tế, xã hội vì an ninh quốc phòng mà nếu không xử lý ngay thì không kịp với tình huống biến đổi của thực tế.

Hai là, ban hành văn bản pháp luật mới để đồng bộ với văn bản pháp luật đã ban hành. Ba là, để nội luật hóa các đại ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

"Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ xem ra không trùng với 3 tình huống trên", đại biểu Vân nói.

Liên quan đến nội dung tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) để xây dựng thêm dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, tại phiên thảo luận tổ những ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự không đồng tình. Có ý kiến cho rằng, cần phải để đại biểu "bấm nút" nên tách Luật GTĐB hay không rồi mới bàn luận đến nội dung của hai dự thảo luật.

Đại biểu Đào Việt Trung (đoàn Nam Định), Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho rằng, có lẽ bây giờ Quốc hội cần phải làm nhiệm vụ "trọng tài". Quốc hội nên có hình thức lấy ý kiến của các đại biểu về việc có đồng ý hay không đồng ý tách 2 dự thảo luật như hiện nay đang trình không, sau đó mới bàn về nội dung.

"Chứ không sau này lại bảo thôi, không tách nữa, nhập lại, rõ ràng sẽ lãng phí thời gian, vật chất", đại biểu Đào Việt Trung nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, nên lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về hai vấn đề. Đầu tiên là có nên tách Luật GTĐB thành 2 luật này hay không? Sau đó mới bàn tiếp là các luật làm bao nhiêu chương, bao nhiêu điều", đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Chồng chéo, trùng lắp

Trực tiếp nghiên cứu hai dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ băn khoăn nhiều nội dung trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và Luật GTĐB sửa đổi có những điều khoản rất chồng chéo, có thể gây khó khăn trong thực hiện, trong khi cả hai luật đều hướng đến mục tiêu đảm bảo ATGT, quy tắc giao thông.

"Các luật đều phải nhằm mục đích xây dựng quy tắc và trật tự giao thông, đảm bảo ATGT. Việc tách ra e rằng mất đi tính tổng thể, mỗi ngành quản lý theo cách của mình dẫn tới chồng chéo và tác động đến hiệu quả quản lý. Có thể phân công, phân định trách nhiệm các ngành nhưng không nhất thiết quy định trong 2 luật", ông Tùng nói.

Dẫn chứng cụ thể về những điểm chồng chéo, ông Tùng cho hay, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ điều chỉnh liên quan tín hiệu giao thông, biển báo dưới góc độ hạ tầng, xây dựng. Dự thảo Luật GTĐB nêu hệ thống tín hiệu đèn khi lắp đặt xong phải được chủ đầu tư, cơ quan quản lý tổ chức vận hành thử trước khi nghiệm thu đưa vào khai thác. Trong khi dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cũng quy định ngành công an chỉ huy, điều hành giao thông, điều này có thể dẫn tới chồng chéo", ông Tùng nói.

img
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, qua phiên thảo luận tổ thì thấy vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình việc tách 2 luật này, cá nhân ông cũng không đồng ý việc tách luật này. Bởi khi tách, nó sẽ mất tính thống nhất và đồng bộ.

Theo đại biểu Xuyền, hiện tại có những ý kiến đề nghị Quốc hội biểu quyết trước có nên tách hay không tách 2 luật này sau mới bàn.

“Việc bây giờ đưa ra biểu quyết như vậy cũng rất khó. Về trình tự thủ tục xây dựng luật thì đã được Chính phủ đưa ra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình đưa vào chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội này”, đại biểu Xuyền nói và nhấn mạnh, việc đồng ý tách hay không tách phụ thuộc vào các đại biểu Quốc hội vì vậy việc đưa ra trước hay sau thì cũng phải có sự đồng ý của các đại biểu.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết, nếu trong thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội không đồng ý tách 2 luật mà thống nhất chỉ sửa đổi Luật GTĐB thì Chính phủ phải rút lại, chỉ tập trung vào sửa đổi Luật GTĐB.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.