“Rừng” TPCN khiến người tiêu dùng bối rối |
Thực phẩm chức năng (TPCN) nhiều không đếm xuể, quảng cáo công dụng “trên trời”, nhãn mác na ná thuốc… đang khiến người tiêu dùng như rơi vào “mê hồn trận”, sử dụng không đúng cách và gây ra những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe.
Kỳ 1: Tiền mất, bệnh nặng thêm
Tin dùng TPCN, nhầm lẫn giữa TPCN và thuốc, nhiều người mất tiền mà không chữa được bệnh, thậm chí còn mang thêm bệnh.
Bệnh nặng thêm do dùng TPCN
Mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, chị Thúy Quỳnh (53 tuổi, Hà Nội) đi khám ở Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) và được bác sỹ kê đơn thuốc tây điều trị. Tuy nhiên, nghe quảng cáo: “TPCN Kim Miễn Khang điều trị và ngăn ngừa các bệnh tự miễn, viêm mạn tính như bệnh lupus ban đỏ và vẩy nến”, chị Quỳnh đã tự ý bỏ dùng thuốc tây, chi 1,8 triệu đồng mua 10 hộp Kim Miễn Khang với dự định uống trong 1 tháng đầu, hết thì sẽ mua tiếp để uống đủ 3-6 tháng theo tư vấn của nhân viên bán thuốc.
Sau một tuần bỏ điều trị tây y, chỉ dùng TPCN, trên người chị Quỳnh đột nhiên xuất hiện các đám ban đỏ, ngứa và bong tróc da toàn thân, kèm theo sốt, đau nhức xương khớp, mệt mỏi… Vội tái khám tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, chị Quỳnh được chẩn đoán bị lupus ban đỏ tăng nặng, đã xuất hiện các tổn thương nội tạng do không liên tục dùng thuốc điều trị.
4 tháng đầu năm, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã xử phạt 71 cơ sở kinh doanh TPCN với số tiền phạt lên đến gần 1,4 tỷ đồng; Trong đó, 66 cơ sở vi phạm về quảng cáo với mức phạt 1,3 tỷ đồng (báo cáo của Cục An toàn thực phẩm). |
Ths. Bs. Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng cho biết, có nhiều bệnh nhân lupus ban đỏ chỉ vì tin lời quảng cáo “thần kỳ” của TPCN, tự ý bỏ thuốc điều trị nên bệnh đã tăng nặng. “Với bệnh nhân lupus ban đỏ, trong điều trị cấm kỵ lớn nhất là tự ý ngừng thuốc, khiến bệnh bật trở lại mạnh hơn, bệnh nhân không đáp ứng được thuốc, mất đi cơ hội điều trị và hơn cả là gây nhiều tổn thương không thể điều trị được”, bác sỹ Trường cho biết.
Theo bác sỹ Trường, chưa có một nghiên cứu khoa học nào về công dụng của TPCN Kim Miễn Khang, mà chỉ là bệnh nhân nghe đồn thổi, hoặc quá tin vào quảng cáo, dẫn đến “tiền mất, tật mang”.
Ông Nguyễn Văn Công (60 tuổi, ở Hà Nội) bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, đang điều trị theo đơn thuốc do bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai kê. Nghe quảng cáo TPCN Cholessen “có tác dụng hỗ trợ điều trị tận gốc các bệnh như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, các bệnh về tim mạch”, nên ông Công đã mua bốn hộp Cholessen, giá 130 nghìn đồng/hộp về định dùng trong một tháng đầu. “Vài ngày đầu ngưng thuốc tây, chỉ dùng Cholessen, tôi thấy huyết áp tăng, khó thở, nhưng cứ nghĩ Cholessen là thuốc đông y thì phải “mưa dầm thấm lâu” nên cố dùng, ai dè huyết áp tăng vọt, phải nhập viện”, ông Công nói.
Theo Ths. Bs. Phạm Đức Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện GTVT, bệnh viện đã không ít lần tiếp nhận bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê do đường huyết tăng hoặc tai biến mạch máu não vì tự ý bỏ thuốc điều trị chuyển sang dùng TPCN. “Việc người bệnh coi TPCN là “thần dược” thay thế được thuốc điều trị là một sai lầm cực lớn, nhất là đối với các căn bệnh mãn tính như thấp khớp, thiếu máu cục bộ, hen phế quản, tiểu đường, huyết áp...”, Bs. Huy nói.
Mắc lừa vì quảng cáo “láo”
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), TPCN quảng cáo quá mức đã khiến nhiều người tin “quá đà”, hiểu lầm về công dụng của TPCN. Việc sử dụng TPCN thay thế thuốc, gián tiếp khiến người bệnh bỏ lỡ thời gian điều trị làm bệnh thêm trầm trọng.
Còn theo PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, có tới 50% quảng cáo TPCN không đúng với nội dung đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm. “Nhiều doa nh nghiệp công bố tác dụng TPCN như một thần dược rất cụ thể, có khi còn công bố tác dụng mạnh hơn thuốc, trong khi TPCN chỉ mang tính hỗ trợ chứ làm sao có tác dụng như thuốc”, ông Đáng phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận