Liên quan đến vụ tai nạn giao thông giữa xe khách 16 chỗ và xe tải làm 10 người chết ở Quảng Nam xảy ra hôm 14/2, đến nay cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra.
Trong số các nạn nhân tử vong, có tài xế Phạm Đức Hậu (48 tuổi, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi), người đã điều khiển xe khách biển số 76B-006.60 vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: V.N
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Viết Hà, luật sư thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, bản thân tài xế Phạm Đức Hậu khi điều khiển xe khách lưu thông trên đường phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật khác liên quan.
Theo đó, khi điều khiển phương tiện, tài xế phải đi đúng tốc độ cho phép và không được lưu thông vào đường cấm. Trong trường hợp này, tài xế đã lưu thông vào đường cấm, đồng thời chạy quá tốc độ.
Vì thế, khi tai nạn xảy ra, hành vi của tài xế có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để điều tra, nhưng do tài xế và cũng là chủ xe đã tử vong sau vụ tai nạn nên theo quy định tại Điều 230, Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can (tài xế Hậu).
Còn với những người khác liên quan trong vụ án, nếu cơ quan điều tra chứng minh được hành vi phạm tội thì vẫn tiếp tục khởi tố bị can khác để điều tra theo quy định.
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường chưa nghiệm thu, chưa đảm bảo ATGT. Ảnh: V.N
Theo luật sư Hà, hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường chưa nghiệm thu thì phải xác minh trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu thi công. Trường hợp này, đơn vị nào được giao quản lý trực tiếp việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Theo Thông tư 37/2018 của Bộ GTVT, khi dự án xây dựng công trình đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình đường bộ cho đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đường bộ.
Như vậy, nếu đoạn đường nói trên chưa hoàn thiện và chưa tiến hành bàn giao thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải có trách nhiệm rào chắn để ngăn cản các phương tiện lưu thông vào đoạn đường này.
Trường hợp, thiếu trách nhiệm để xảy ra việc các phương tiện lưu thông vào đoạn đường và xảy ra hậu quả tai nạn nghiêm trọng thì nhà thầu, chủ đầu tư có thể sẽ bị truy cứu với tội Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông, quy định tại Điều 281, Bộ luật Hình sự", luật sư phân tích và cho rằng, đó là quy định của pháp luật, còn tất cả vẫn phải chờ kết quả từ cơ quan điều tra.
Với điều luật này, người nào có trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý, để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong vụ tai nạn này, nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường, đảm bảo các quyền lợi theo quy định của pháp luật. Ảnh: V.N
Liên quan đến việc bồi thường, các hành khách đặt xe không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải nhưng nếu họ hoàn toàn không biết và tin tưởng rằng nhà xe vẫn đủ điều kiện thì khi đó quyền lợi người dân vẫn hoàn toàn được bảo đảm.
"Việc người dân đặt vé xe để di chuyển như một giao kết dân sự được xác lập hợp pháp. Do đó, khi xảy ra tai nạn thiệt hại về sức khỏe và tính mạng thì căn cứ Bộ luật Dân sự, người dân có quyền yêu cầu chủ xe phải tiến hành bồi thường cho các thiệt hại về tính mạng và sức khỏe.
Nếu người dân chỉ bị tổn hại về sức khỏe thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
Trường hợp phát sinh việc thiệt hại về tính mạng thì gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phi hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm ngoài việc phải bồi thường thiệt hại theo quy định, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Khoảng 4h sáng 14/2, tại nút giao đường ven biển 129 và đường tỉnh 619, qua địa phận xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách 16 chỗ và xe đầu kéo khiến 6 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong tại bệnh viện. Đến tối 14/2, có thêm 2 nạn nhân tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 10 người (trong đó có tài xế xe khách).
Theo Công an tỉnh Quảng Nam, bước đầu xác định thời điểm gặp nạn xe khách chở 21 người trên xe 16 chỗ. Căn cứ camera hành trình, công an xác định xe khách chạy với tốc độ 67 - 69 km/h, vượt quá tốc độ cho phép khi đoạn đường này chỉ cho phép chạy tối đa 60 km/h.
Đoạn đường xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 10 người chết chưa hoàn thiện, chưa được bàn giao, có cắm biển cấm nhưng xe khách, xe tải vẫn lưu thông.
Vị trí xảy ra tai nạn có hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, thời điểm tai nạn, đèn chỉ nhấp nháy vàng. Ngoài ra, trời lúc đó tối và có nhiều sương mù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận