Sau nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, tỉnh Đồng Nai đã bố trí người cảnh giới tại các điểm đen giao thông(Chụp chiều 31/3 tại gác chắn Km 1692+600, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) - Ảnh: Vĩnh Phú |
TNGT đường sắt những tháng đầu năm 2017 gia tăng nghiêm trọng và xảy ra nhiều nhất tại khu vực các đường ngang, đường dân sinh nơi có vai trò quan trọng của các địa phương. Tuy nhiên, dường như đến nay, không ít tỉnh, thành có đường sắt đi qua vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, kể cả những nơi vừa xảy ra các vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Vẫn tràn lan vi phạm
Tại Hà Nội, theo Cục Đường sắt VN, dù chỉ có hơn 162km trên các tuyến nhưng có tới 385 đường dân sinh. Nhiều đường ngang mở tự phát và thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương. Điển hình là tuyến đường sắt Bắc - Nam từ chắn Khâm Thiên đến Thường Tín khoảng 40km, ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều đoạn đường sắt chạy song song mặt phố nên phổ biến tình trạng mỗi nhà một lối đi dân sinh. Lấy lý do phải làm ăn, sinh sống, các hộ dân, cửa hàng kinh doanh vô tư để các vật liệu như tấm đan bằng sắt, gỗ… làm lối đi qua đường sắt, đe dọa trực tiếp an toàn chạy tàu. Trong khi đó, đây lại là cung chặng “tử thần”, nhiều vụ tai nạn đường sắt đã xảy ra trong những năm qua.
Đặc biệt, đoạn từ chùa Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đến khu ga Văn Điển (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì), tuy đã làm hàng rào hộ lan ngăn cách đường bộ - đường sắt nhưng cứ khoảng 2m hàng rào lại chừa một lối di dân sinh qua đường sắt. Lối hẹp cũng phải 1,2-1,5m, có lối vào cửa hàng lên tới hơn 3m.
Tại cuộc họp sơ kết ATGT quý I/2017, trước thực tế tai nạn đường sắt gia tăng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, các địa phương cần tích cực tìm giải pháp để xử lý đường ngang dân sinh, không dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Trung ương. “Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo, các địa phương cần có giải pháp quyết liệt chấm dứt thực trạng này, nếu tiếp tục còn để xảy ra TNGT nghiêm trọng sẽ xem xét kỷ luật người đứng đầu”, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Theo thống kê, từ 1/1 - 6/3, cả nước xảy ra 21 vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm chết 51 người, bị thương 72 người. Điển hình là 2 vụ TNGT đường sắt tại Thừa Thiên - Huế làm 3 người chết, 2 vụ tại Đồng Nai làm 2 người chết. |
Tại xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), ghi nhận của PV, chỉ khoảng 1.000m từ ngã tư Động đến phố Nhất, có tới hàng chục điểm vi phạm hành lang đường sắt. Dọc hai bên đường ray, hàng đống phế thải chất ngất, đá hộc, đá xẻ, vật liệu làm non bộ để ngổn ngang. Mỗi lối đi vào cửa hàng, bãi phế liệu lại có một lối đi qua đường sắt ra QL21 bằng đủ loại vật liệu như như: Rải đá, đặt tấm đan bê tông, sắt, gỗ…
Chiều 31/3, PV Báo Giao thông đã trực tiếp khảo sát các điểm đen là đường ngang trái phép trên đoạn tuyến đường sắt qua TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Tại điểm giao cắt Km1962+600 (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) lúc 16h45 chiều 31/3 nhiều xe máy lưu thông 2 chiều đi sát phần đường ray trên con đường mòn gồ ghề đất đá đầy ổ gà. Những người này chọn lối đi cặp sát đường ray tàu hỏa để về nhà cho tiện thay vì phải đi vòng vào một tuyến đường hẻm cách đó khoảng 300m.
Ông Hà Đăng Bộ, người cảnh giới gác chắn tại điểm giao cắt Km 1962 + 600 kể, mới đây, ngày 27/3, tàu hỏa chạy hướng TP.HCM đi Hà Nội, khi đến khu vực gác chắn này (khu phố 3, phường Tân Hiệp) va chạm với xe máy BKS 60S9-4047 do ông H.V.G (phường Tân Hiệp) điều khiển khiến người này tử vong tại chỗ, xe máy bị văng vào góc đường. “Thời điểm xảy ra tai nạn, người cảnh giới đã căng cờ báo hiệu tàu đang đến và được nhiều người ngăn lại, nhưng nạn nhân vẫn cố tình vượt qua, dẫn đến tai nạn thương tâm”, ông Bộ cho hay.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN bức xúc: “An toàn là giá trị cốt lõi, là thương hiệu của đường sắt nên đường sắt phải chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, kéo giảm tai nạn. Nhưng có cố gắng thế, chứ cố gắng nữa mà chính quyền địa phương không thực sự vào cuộc cũng không có hiệu quả”.
Người dân vô tư đi vào hành lang đường sắt bất chấp nguy hiểm tại khu vực gác chắn Km 1692+600, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa (chụp chiều 31/3) - Ảnh: Vĩnh Phú |
Phải có chế tài cụ thể với địa phương lơ là
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng tại Lăng Cô - Cầu Hai, tỉnh đã yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng trong việc bảo vệ hành lang ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. “Các địa phương phải thống kê những trường hợp vi phạm, xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, lối đi dân sinh trái phép để có giải pháp xử lý”, ông Phương nói.
Tại Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh mới đây cũng yêu cầu Ban ATGT tỉnh phối hợp với TP Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc rà soát khắc phục ngay các vị trí mất an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 4. “Cần phải nâng cao trách nhiệm của địa phương trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp lấn chiếm hành lang đường sắt”, ông Vĩnh nói.
Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy cho biết, hiện cả nước còn khoảng 15 địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Trong đó có thể kể tới: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang...
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Yên Lào chia sẻ, đầu năm 2017, ngành Đường sắt tiến hành rà soát, rào đóng và thu hẹp các lối đi dân sinh, nhiều đơn vị đường sắt không được sự phối hợp của chính quyền địa phương, nhất là cấp xã. Chúng tôi đã thu hẹp lối đi dân sinh, trách nhiệm của xã là nhận bàn giao để quản lý nhưng có xã nhất quyết không nhận, cho đây là trách nhiệm của đường sắt. Điển hình như xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái”.
Trao đổi với Báo Giao thông về giải pháp kéo giảm TNGT đường sắt sắp tới, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cho rằng, phải có chế tài cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt, nhất là vai trò người đứng đầu. “Trước đây đã có quy định nhưng chỉ nhấn mạnh trách nhiệm thuộc về địa phương mà chưa chỉ cụ thể là ai, nếu vi phạm thì xử lý thế nào. Vì thế, dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi vừa qua đã bổ sung chế tài cụ thể. Đây là công cụ, hành lang pháp lý tốt nhất để thực hiện”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông Minh, để địa phương có thể thực sự vào cuộc, bên cạnh chế tài cần có các cơ chế và nguồn lực cho công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm tai nạn đường sắt. Ngoài ra, cần tập trung giải pháp thực hiện dứt điểm tại một địa phương, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình ra các địa phương khác...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận