Tăng giá cước cao - quên cam kết với đối tác?
Sau hơn nửa năm, kể từ ngày gia nhập thị trường Việt Nam, độ phủ của màu áo đỏ Go-Viet bắt đầu vắng hơn trên đường phố, với những “cuộc di dân” của tài xế qua các ứng dụng khác.
Cách đây hơn nửa năm, Go-Viet gia nhập làng xe ôm công nghệ với nhiều cam kết "khủng" như mức thu chiết khấu thấp, cam kết phát triển nền tảng app Việt vì người Việt… Nhờ có sự đầu tư, đổ tiền của Go-Jek, ứng dụng Go-Viet đầy tự tin tuyên chiến với các nhà cung cấp ứng dụng trong và ngoài nước.
Chỉ sau khi ra mắt hơn 2 tháng, ứng dụng này tuyên bố chiếm tới 35% thị phần đặt xe tại TP.HCM. Con số này, dù mang nhiều hoài nghi nhưng cũng mang lại nhiều hy vọng cho cánh tài xế và người dùng về việc có thêm lựa chọn đặt xe qua ứng dụng.
Thế nhưng, sự “hoành tráng” đó kéo dài không được bao lâu thì nhiều tài xế Go-Viet đã liên tục kêu ca phàn nàn bị giảm thu nhập.
Từ đầu năm 2019, Go-Viet bắt đầu thu chiết khấu với tài xế. Với việc áp dụng tăng giá cước lên 20%, khá cao so với cam kết “không quá 10%” như thời điểm mới ra mắt, ứng dụng này ngay lập tức vấp phải nhiều bức xúc của một bộ phận tài xế.
Là một tài xế gắn bó với màu áo đỏ từ những ngày đầu ra mắt, anh Huỳnh Hoài H. (ngụ Q. 3, TP.HCM) cho biết, việc hãng xe này thu mức chiết khấu không giống như cam kết là điều khiến các tài xế bất mãn. Hiện tại chạy một ngày cũng chỉ được khoảng 400 nghìn đồng, tính cả tiền thưởng.
Theo anh H, sự thay đổi trong chính sách thu chiết khấu khiến cánh tài xế thua thiệt đủ đường. Với những chuyến xe gần, Go-Viet thu 10.000 đồng của khách nên nếu áp dụng mức chiết khấu 20%, tài xế không còn bao nhiêu tiền, thậm chí phải bù lỗ tiền xăng nếu chạy xe tay ga. Với mức chiết khấu tăng cao bất ngờ, tài xế chỉ biết cải thiện thu nhập bằng cách chạy 2 - 3 app như Fastgo, Grab, Be... Tình trạng chạy như hiện nay không ổn định và cạnh tranh không lại những hãng xe khác, khiến các cuốc xe dần thưa hơn.
Tương tự, tài xế Nguyễn Văn P. và Lương Thế K. (cùng ngụ Q. Bình Thạnh) cũng không đồng tình với việc Go-Viet bất ngờ tăng chiết khấu. "Họ tăng thêm 10% tuy có ảnh hưởng đến thu nhập của anh em nhưng cũng có thể chấp nhận nếu app không bị lỗi, bị sai định vị... Cái khiến chúng tôi mất lòng tin là Go-Viet bỏ cam kết", tài xế P. nói.
“Cuốc ảo” dày đặc, tài xế ngao ngán
Cùng với việc tăng giá cước lên 20%, nhiều tài xế trong màu áo đỏ cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng cuốc ảo xảy ra rất nhiều trên app của hãng này.
“Cuốc nổ nhiều nhưng khi gọi cho khách thì thuê bao không liên lạc được, buộc tài xế chúng tôi phải hủy. Việc hủy cuốc khiến chúng tôi bị rớt phần trăm điểm thưởng. Trong khi đó, công ty lại ra quy định, nếu tài xế hủy 3 cuốc trong 1 giờ sẽ bị khóa app 1 tiếng. Đã thế, chức năng này hoạt động không tốt, nhiều lúc khóa nhầm, khóa sai, điều này rất thiệt thòi cho cánh tài xế chúng tôi” anh H. bức xúc.
Đồng quan điểm với anh H., tài xế Nguyễn Mai T. Q ngụ Q. 5, TP.HCM cho rằng: “Nếu hãng áp dụng cơ chế hoạt động như các app khác, cho khách book cuốc và chỉ huỷ cuốc xong mới được book cuốc mới thì sẽ công bằng và an toàn cho tài xế hơn. Với Go-Viet, khách có thể book một lần 2 - 3 cuốc một lúc, nhiều khi tài xế nào đến trước thì đón trước, người đến sau coi như mất công, mất tiền xăng”.
Anh T.Q chia sẻ thêm: “Làm tài xế vốn đã rất vất vả, suốt ngày chạy ngoài đường, cũng chỉ mong được nhiều cuốc xe để có thu nhập. Nhưng cứ gặp phải những “cuốc ảo” như vậy, tài xế chúng tôi cũng không được bồi thường. Dù phản ánh rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi”.
Định vị sai, tài xế chịu thiệt
Theo nhiều tài xế, điều quan trọng nhất của một ứng dụng đặt xe là nền tảng công nghệ. Trong khi đó, hệ thống định vị khách hàng của Go-Viet lại thường xuyên “mắc lỗi ngớ ngẩn” khiến cánh tài xế dở khóc dở cười.
Ông Trịnh Hoài L. (55 tuổi ngụ Q. 12, TP.HCM) cho biết: “Định vị app của hãng này bị lỗi khá nhiều. Nhiều khi đón khách tới 2 - 3 cây số mà định vị có 700m, khi thì báo vị trí sai, khách ở một chỗ, định vị ở một nơi, chạy xe đã mệt, tìm khách còn mệt hơn”.
Hơn 5 tháng gắn bó với màu áo đỏ của Go-Viet, ông L. đánh giá hệ thống định vị của hãng này có nhiều bất cập. Cụ thể: không tính trừ được những khoảng cách như bờ sông, đường cao tốc, hay thường xuyên nổ những cuốc “giật lùi”, tức là nhiều lúc đi qua địa điểm đón khách rồi nhưng cuốc vẫn nổ... Với những tài xế muốn tranh thủ linh hoạt một số đoạn đường gần nhà hoặc tiện đường thì app này chưa thực sự đáp ứng được.
“Nhiều khi hơn 17h, sẵn tiện đường về nhà tôi muốn có cuốc xe về gần khu vực Q. 5 nhưng lại toàn nhận cuốc đi các quận xa như Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi…. Đó cũng là một bất cập của Go-Viet so với các hãng xe công nghệ khác”, anh T.Q cho biết thêm.
Sự “đổ bộ” của các ứng dụng đặt xe công nghệ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều như hiện nay, mang lại cơ hội để các tài xế có sự lựa chọn. Nhưng cũng chính sự đa dạng này khiến ngày càng có nhiều cuộc “di dân” cực chẳng đã. Sự dịch chuyển thường xuyên này khiến những ứng dụng có nền tảng công nghệ không đủ mạnh để cạnh tranh và khả năng giữ vững các cam kết ban đầu cũng bị mất dần thị phần thực tế.
“Đường dài mới biết sức ngựa”. Sau những tuyên ngôn ồn ào và chấp nhận chịu lỗ nhằm chiêu mộ cánh tài xế, áp lực lợi nhuận sẽ là yếu tố khiến các nhà cung cấp ứng dụng phải siết chặt chi phí để thu lợi nhuận, bỏ mặc cam kết từng có với thị trường.
Sáng 13/3, chúng tôi liên lạc điện thoại với đại diện truyền thông Go-Viet để hỏi rõ thêm về những phản ánh của tài xế thì được yêu cầu gửi câu hỏi qua email, nhưng chưa nhận được phản hồi. Tuy nhiên, trên trang Web của Go-Viet đã đăng tải thông báo ngừng hoàn 10% phí dịch vụ từ ngày 6/3 đối với ứng dụng GO-BIKE PARTNER.
Theo thông báo trước đó, mức phí dịch vụ được áp dụng là 20% tính trên cước phí mà đối tác nhận được cho mỗi đơn hàng thành công. Đồng thời, Go-Viet cũng đình chỉ các đối tác tài xế hủy 3 đơn hàng (trong 1 giờ), bỏ trôi nhiều đơn hàng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận