Với cánh tài xế miền Tây, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe được 9 tháng, chưa thu phí nên vẫn tính là mới. PV Báo Giao thông trực tiếp trải nghiệm và nghe các bác tài, kiêm "hướng dẫn viên" review những thông tin thú vị về tuyến cao tốc mới và những điểm du lịch đặc sắc của miền Tây.
"Đường êm lắm, bà con yên tâm ngủ một giấc"
Hơn 4h sáng một ngày giữa tháng 8, tài xế Đinh Quang Lợi (Hợp tác xã Thủy bộ, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) lái ô tô 16 chỗ đón đoàn khách 12 người ở quận Ninh Kiều đi du lịch ở Bình Thuận. Trước đó, PV ngỏ lời quá giang đi hết cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, anh Lợi vui vẻ đồng ý.
Xuất phát từ quận Ninh Kiều, ô tô mất chưa đầy 30 phút để qua cầu Cần Thơ cho quãng đường 16km. Khi đến nút giao Chà Và (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), từ quốc lộ 1, xe rẽ trái vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
"Mình không đi quốc lộ mà đi cao tốc nha bà con, đường đẹp, tiết kiệm thời gian nữa. Đường êm lắm, bà con yên tâm ngủ một giấc", anh Lợi hào hứng thông báo khi xe vừa vào cao tốc.
Vừa lái xe, anh Lợi vừa giới thiệu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với hành khách: "Tuyến có bốn làn xe, dài 23km, có điểm dừng khẩn cấp, suốt tuyến có 15 cầu. Tốc độ tối đa 90km/h, tối thiểu 60km/h. Tuyến này thông xe cuối năm 2023, đi qua Vĩnh Long và Đồng Tháp. Cao tốc này chưa thu phí nên vẫn tính là mới".
Khi PV hỏi về trải nghiệm tuyến cao tốc này ra sao, tài xế mắt vẫn dán vào con đường phía trước nói: "So với quốc lộ 1, đi tuyến này tiết kiệm hơn 15 phút, tức chỉ mất khoảng 20 phút để đi hết 23km. 15 phút không quá nhiều, nhưng đi cao tốc tài xế đỡ cực hơn, giảm rủi ro vì không có xe máy, xe ba bánh. Việc giữ tốc độ ổn định còn tiết kiệm được nhiên liệu".
Về chất lượng mặt đường, anh Lợi đánh giá nhựa thảm láng mịn, chạy êm. Dù vậy, các mố cầu trên tuyến vẫn còn hơi dốc, không thể "cứng" ga 90km/h, xe sẽ xóc khi qua.
Vèo qua 4 tỉnh miền Tây trong 2 tiếng
Vẫn theo anh Lợi, tuyến cao tốc này chạy ban đêm hay ban ngày không có quá nhiều sự khác biệt, ban đêm có thể ít xe hơn, nhưng tầm nhìn hạn chế hơn. Còn ban ngày thì ngược lại, xe đông nhưng tầm nhìn rộng hơn.
Lúc đồng hồ báo 5h15, xe giảm tốc độ để qua nút giao với đường tỉnh 908 ở xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. "Chúng ta vừa đi qua gần 9km cao tốc, mất khoảng 7 phút", tài xế thông báo.
"Nếu đứng trên cầu vượt ở đường tỉnh 908, có thể thấy toàn bộ nút giao này, rất hoành tráng. Các lối ra vào như những cánh cung dẫn phương tiện vào/ra cao tốc", anh Lợi tiếp tục giới thiệu.
Trên xe lúc này, một số hành khách không ngủ, vẫn đang chăm chú nghe tài xế kiêm "hướng dẫn viên" review tuyến cao tốc mới nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Họ chưa thể ngắm cảnh đẹp hai bên cao tốc vì trời chưa sáng.
Trong đêm tối, ánh đèn ô tô chiếu rõ hai làn xe làm nổi bật đinh phản quang giữa các làn đường. Phía hộ lan tôn sóng bên phải hiện rõ những tiêu phản quang, cụm biển báo tốc độ, số điện thoại khẩn cấp.
Qua nút giao đường tỉnh 908 chưa đầy cây số, xe vào địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, tài xế giữ đều tốc độ 90km/h. Trên mặt đường láng mịn, chiếc xe 16 chỗ chạy êm ru, đưa hành khách dần vào giấc ngủ.
"Khi có tuyến cao tốc thứ ba, đường đến TP.HCM đã gần lại rất nhiều. Tôi chở khách từ miền Tây đi TP.HCM, nhiều người nói vui đi qua ba đoạn cao tốc ngủ chưa đã giấc đã tới nơi", anh Lợi chia sẻ.
Ba đoạn cao tốc mà anh Lợi nhắc ở trên là TP.HCM - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, tổng chiều dài 121km. Trong ba đoạn này, ngoài đi qua TP.HCM khoảng 5km, chiều dài còn lại chạy qua bốn tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. "Ba đoạn này nếu trong điều kiện bình thường, đi vèo hai tiếng là tới", anh Lợi khẳng định.
Đồng hồ chỉ 5h30, trời tờ mờ sáng. Phía trước là đèn chớp của cầu Mỹ Thuận 1 và 2 bắc qua sông Tiền, báo hiệu sắp hết tuyến cao tốc. Các hướng đi ở nút giao Tân Hòa (Vĩnh Long) mở ra trước mắt, anh Lợi nhìn lại đồng hồ và thông báo, chưa đầy 20 phút đã đi hết 23km cao tốc.
Như đã hẹn, tài xế rẽ phải ra quốc lộ 80 để PV xuống xe, sau đó vòng lại để vào lại cao tốc, qua cầu Mỹ Thuận 2, tiếp tục hành trình đến Bình Thuận.
Không chỉ rút gần khoảng cách
Gần 6h, PV cùng anh Huỳnh Trung Chánh – một người quen ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quay về Cần Thơ. Từ nút giao Tân Hòa, chiếc ô tô con nhấn ga về hướng thủ phủ miền Tây.
Trên xe, câu chuyện cao tốc miền Tây được tiếp tục. Anh Chánh cho biết, anh đi từ quốc lộ 1, rẽ phải vào quốc lộ 30 tại ngã ba An Thái Trung ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để qua cầu Mỹ Thuận 2, nối vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Suốt ba năm qua, anh Chánh thường đi lại giữa Tiền Giang và Cần Thơ. Từ khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe, anh không đi quốc lộ 1 nữa. "Giờ cao điểm, qua mấy khu công nghiệp, chợ, khu dân cư nên xe đông lắm", anh kể.
Vẫn theo tài xế này, cao tốc không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, hay chỉ đưa nông sản miền Tây đi xa hơn. "Cao tốc còn đưa những những người con xa xứ về với gia đình nhiều hơn khi những chuyến về quê không còn quá nhọc nhằn", anh Chánh chia sẻ.
Vừa qua, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để bổ sung nút giao Võ Văn Kiệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và khoảng 7,3km đường gom phía tỉnh Đồng Tháp, mở thêm hướng ra vào, khai thác tối đa tiềm năng của tuyến cao tốc.
Giai đoạn phân kỳ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ được mở rộng quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận