Ngày 5/4, nghuồn tin từ Tổng công ty tân cảng Sài Gòn cho biết, đơn vị này vừa kết thúc chuỗi sự kiện cho tuần lễ tri ân khách hàng vùng ĐBSCL.
Thượng tá Bùi Văn Qùy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phát biểu tại hội thảo
Theo đó, tuần Lễ “Đồng hành và phát triển cùng khách hàng ĐBSCL” bao gồm hoạt động khảo sát nhu cầu sử dụng dụng dịch vụ logistics của khách hàng ĐBSCL, hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL dưới góc độ logistics”, hội nghị khách hàng vùng ĐBSCL được diễn ra liên tục trong hai tuần vừa qua là cơ hội để TCSG lắng nghe ý kiến khách hàng, gặp gỡ và kết nối đối tác cùng cơ quan quản lý, sở ban ngành tại các tỉnh ĐBSCL và cộng đồng quản lý doanh nghiệp.
Chuỗi sự kiện không chỉ giúp TCSG hiểu rõ hơn về những nhu cầu, khó khăn của quý khách hàng và đối tác để kịp thời hỗ trợ, đáp ứng và đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn và định hướng phát triển của ngành logistics nói chung và TCSG nói riêng tại khu vực ĐBSCL để cùng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng và thị trường trên thế giới.
ĐBSCL là khu vực đặc biệt với lượng hàng xuất khẩu nông sản, thủy sản, gạo,... ngày càng tăng. Tuy nhiên, hệ thống kết nối đường bộ còn nhiều hạn chế, do hạn chế luồng lạch nên tàu tới trên 10,000 tấn chưa thể ra vào trực tiếp các cảng trong khu vực, khách hàng vẫn phải trung chuyển hàng và lấy rỗng qua khu vực TP.HCM nên chi phí Logistics tăng cao.
Đây cũng chính là nguyên nhân cho tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường bộ kết nối từ TP.HCM đến các tỉnh vùng ĐBSCL.
Toàn cảnh hội thảo
Thông qua khảo sát và tọa đàm trao đổi, khách hàng khu vực ĐBSCL bày tỏ nỗi lo về vấn đề chi phí của doanh nghiệp, khi TP.HCM tiến hành thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển và các loại chi phí đầu vào tăng cao do tình hình xã hội, chính trị thế giới diễn biến phức tạp.
Nhu cầu kho lạnh để lưu trữ nông sản - thủy sản, vỏ rỗng để vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp vùng ĐBSCL là rất lớn, nhưng hệ thống logistics của các tỉnh trong vùng lại chưa được phát triển đồng bộ và hiệu quả.
Vậy nên, TP Cần Thơ cần nhanh chóng được đầu tư và phát triển dịch vụ logistics để trở thành trung tâm kết nối vùng giúp doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu hàng hóa từ khu vực ĐBSCL.
Các giải pháp để đưa Cần Thơ trở thành trung tâm logistics của vùng được đề xuất trong buổi hội thảo bao gồm: thiết lập cảng biển khu vực tầm cỡ để tàu có thể tiếp nhận hàng hóa của 10 tỉnh ĐBSCL, xây dựng khu công nghiệp - nông nghiệp chất lượng cao có nhiều ưu đãi về thuế quan, là địa điểm tập kết để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đầu tư phát triển vận tải hàng không để hàng hóa trực tiếp xuất khẩu từ Cần Thơ đi nước ngoài.
Ông Phạm Hồng Tươi, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và định hướng phát triển của vùng ĐBSCL thông qua chuỗi sự kiện lần này, TCSG cam kết sẽ tích cực kết nối Hãng tàu đưa container rỗng về các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, kết nối trực tiếp Cảng Tân Cảng Cái Cui và các Cảng khác tại ĐBSCL với cảng Cái Mép.
Qua đó, góp phần đầu tư xây dựng các trung tâm logistics cho vùng, thiết kế những giải pháp mang tính tiên phong, toàn diện, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại ĐBSCL.
Đại diện lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn tặng kỷ niệm chương cho các hãng tàu, khách hàng tại khu vực ĐBSCL
Đối với luồng Định An, có thể nạo vét và có thể đón tàu Quốc tế, kết hợp với giải pháp Logistics hàng không qua sân bay Quốc tế Cần Thơ là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm chi phí Logistics, phát triển các Trung tâm Logistics cho khu vực ĐBSCL nhất là Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận