Sau khi cung cấp thông tin, Bộ GTVT đã mời các phóng viên đi khảo sát thực tế tại CHK Tân Sơn Nhất để tận mắt chứng kiến sự quá tải |
Không thể “cơi nới”
Tại cuộc họp, một số PV đặt lại vấn đề mà một số bài báo gần đây có nêu như: Vì sao không mở rộng CHK quốc tế TSN? Vì sao không sử dụng sân bay Biên Hòa để phục vụ dân sự?
Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì trong vòng 15 năm qua (1999-2013), sản lượng hành khách thông qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8% và 12,9% về hàng hóa. Đánh giá cao các giải pháp “cơi nới” của ACV, nhưng ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc “cơi nới” chỉ là tạm thời, đến năm 2023 khi TSN đạt 25 triệu hành khách/năm thì không thể “cơi nới” thêm được nữa.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Binh chủng Phòng không - Không quân cho biết, phía quân đội cũng đã cùng với Cục HKVN đưa ra rất nhiều biện pháp để giảm thiểu ách tắc tại TSN. Một số diện tích trước đây dùng cho quân sự đã được chuyển cho ACV để mở rộng sân đỗ máy bay, nhà ga… nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng hiện nay của TSN.
Hôm nay tọa đàm Dự án CHK quốc tế Long Thành Tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết, nhằm thông tin, tuyên truyền về dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành, đặc biệt là kế hoạch huy động nguồn vốn cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội mà dự án này mang lại, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ dự kiến tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Dự án sân bay Long Thành - cơ hội và thách thức”. Thời lượng buổi tọa đàm khoảng 60 phút, từ 9h30 ngày 17/10 tại Phòng Đối thoại trực tuyến, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, 16 Lê Hồng Phong. Bình Minh |
Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Hải Âu còn dẫn chứng: Cứ khoảng 6h sáng mà ra nhà ga nội địa TSN thì không rõ hàng nào là hàng làm thủ tục, hàng nào làm thủ tục an ninh. “Diện tích tối thiểu để làm thủ tục đã không có chứ không nói gì đến diện tích cho những khu công năng khác. Bà con đi máy bay kêu ít dịch vụ quá, độc quyền, giá mì gói đắt quá. Cơi nới là cực chẳng đã. Chúng ta không có hạ tầng tốt thì làm sao có dịch vụ tốt”, ông Nam nói.
Mới đây Báo Tuổi trẻ nêu vấn đề vì sao không dành đất để mở rộng CHK quốc tế TSN mà lại xây sân golf? Ông Lại Xuân Thanh khẳng định, nếu phương án mở rộng được CHK quốc tế TSN mà hiệu quả thì sân golf không phải là vấn đề. Cầm trên tay bản đồ chi tiết về CHK quốc tế TSN, ông Thanh cho biết, hiện ở TSN tắc nghẽn chính ở đường cất, hạ cánh và đường trên trời. Ở TSN có hai đường cất, hạ cánh nhưng hiệu suất khai thác thực tế chỉ là một. “Ở đây 1 + 1 không bằng 2 mà chỉ bằng 1,2”, ông Thanh nói.
Còn theo Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn đáng lo ngại hơn là “tắc” ở trên trời. "Do bị chồng lấn vùng không lưu với sân bay quân sự Biên Hòa nên CHK quốc tế TSN chỉ có thể tiếp nhận 29 chuyến bay đi đến/giờ, trong khi thực tế hiện nay đã có lúc phải tiếp nhận gần 34 chuyến", ông Tuấn nói.
Vì sao không mở rộng Sân bay Biên Hòa để phục vụ mục đích dân sự? Ông Lại Xuân Thanh cho biết, sân bay quân sự và sân bay dân sự còn thể chồng lấn bầu trời, khai thác linh hoạt chứ hai sân bay dân sự thì không thể có sự chồng lấn bầu trời được. “Nếu mở rộng Sân bay Biên Hòa và TSN để khai thác phục vụ mục đích dân sự, đến khi cả hai sân bay này đều quá tải thì chúng ta phải làm sao? Đến lúc đó CHK quốc tế TSN và sân bay Biên Hòa sẽ triệt tiêu nhau? Chúng ta đặt vấn đề xây sân bay khác thì đã quá muộn rồi. Tôi cho rằng, việc chuyển sang xây sân bay trung chuyển là Long Thành đã đến lúc phải làm ngay”, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nói.
Chậm triển khai CHK quốc tế Long Thành, TP HCM chịu thiệt
Nhìn ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, việc tồn tại CHK quốc tế TSN trong lòng đô thị TP HCM đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TP. Trong khi khu vực phía Nam như Q7, Q2 đã phát triển mạnh thì phía Bắc thành phố như Q12, huyện Hóc Môn... phát triển chậm là do ảnh hưởng của CHK quốc tế TSN. “Sự tồn tại của CHK quốc tế TSN làm hạn chế sự phát triển về chiều cao ở khu phía Bắc. Nếu tiếp tục mở rộng CHK quốc tế TSN thì cả khu vực phía Tây Bắc như Củ Chi, Hóc Môn… sẽ bị ảnh hưởng”, ông Chung nói.
Cùng quan điểm trên, TS Lương Hoài Nam cho rằng, nếu CHK quốc tế TSN mà bị ách tắc, không có CHK quốc tế Long Thành thì địa phương phải trả giá chính là TP HCM. “Tôi rất mừng là TP HCM đã ủng hộ tối đa việc xây CHK quốc tế Long Thành. CHK quốc tế Long Thành không chỉ tác động đến sự phát triển của TP HCM mà còn là động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Nam nói.
Thanh Bình - Minh Nghĩa - Phan Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận