Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw trong lễ nhậm chức sáng 30/3 ở thủ đô Naypyidaw trong khi đó bà Aung San Suu Kyi làm Bộ trưởng 4 bộ |
Tân Tổng thống dân cử đầu tiên của Myanmar sau 56 năm, ông Htin Kyaw hôm qua (30/3) tuyên thệ nhậm chức. Sự kiện được kỳ vọng đặt mốc mới cho lịch sử chính trường quốc gia Đông Nam Á này.
Nỗ lực vì hòa bình, hòa giải dân tộc
Theo BBC, ông Htin Kyaw thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) sẽ tiếp nhận vị trí của người tiền nhiệm Thein Sein từ ngày mai (1/4). Tại lễ tuyên thệ sáng qua ở Thủ đô Naypyidaw, ông Kyaw trong sắc áo đồng phục màu vàng của NLD cam kết “trung thành với nhân dân nước Cộng hòa Liên bang Myanmar”.
“Tôi sẽ tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Tôi sẽ thực hiện mọi trách nhiệm, bằng mọi khả năng tốt nhất của mình”, tân Tổng thống nói. Ông Htin Kyaw sinh năm 1946, là một nhân vật thân cận với nhà lãnh đạo NLD - bà Aung San Suu Kyi.
Phó Tổng thống thứ nhất, do quân đội bổ nhiệm - Myint Swe và Phó Tổng thống thứ 2 thuộc NLD Henry Van Thio cũng đã tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Myanmar Win Khaing Than. Nội các mới do ông Htin Kyaw đứng đầu cũng đã tuyên thệ nhậm chức. Hầu hết các tân bộ trưởng là các thành viên của NLD.
Ông Htin Kyaw nói rằng ông và nội các sẽ nỗ lực vì hòa bình, hòa giải dân tộc và nâng cao mức sống của người dân; đồng thời có trách nhiệm đáp ứng các nguyện vọng của người dân để soạn ra một bản hiến pháp phù hợp với chế độ dân chủ. Tuy nhiên, bộ trưởng 3 bộ chủ chốt Nội vụ, Quốc phòng và An ninh biên giới vẫn do quân đội chỉ định và kiểm soát. Ngoài ra, cùng với việc giữ 25% số ghế quốc hội, quân đội vẫn có quyền phủ quyết bất kỳ đề xuất thay đổi hiến pháp nào.
Con đường mới
Lễ tuyên thệ nhậm chức hôm qua đã hoàn tất quá trình chuyển giao kể từ khi đảng NLD chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Các nhà phân tích còn cho rằng, việc Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar tuyên thệ nhậm chức có ý nghĩa to lớn với tiến trình dân chủ ở Myanmar, đồng nghĩa với việc ông sẽ hoạt động dưới sự ủng hộ hết mình của thủ lĩnh NLD, bà Aung San Suu Kyi - người bạn lâu năm của tân Tổng thống, “mang theo những hi vọng mới cho một quốc gia vốn theo lối mòn của chế độ quân chủ”, theo CNA.
“Tôi không thể ngủ được đêm qua. Bài phát biểu của ông Htin Kyaw là những gì chúng tôi chưa từng được nghe trước đây trong lịch sử đất nước. Đó là một bước tiến lớn, là một hiện thực vì tất cả chúng tôi đang cùng nhau tiến về phía trước”, CNA dẫn lời Thiri Yadanar, 28 tuổi - một nghị sĩ đảng NLD cho biết sau buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống.
Nhà phân tích chính trị Khin Zaw Win thì nói với hãng AFP: “Đất nước này đã sẵn sàng và khao khát thay đổi. Các nhà đầu tư và khách du lịch bắt đầu dành sự quan tâm cho đất nước Đông Nam Á nhỏ bé, chính phủ mới hứa hẹn một tương lai tốt đẹp với việc phổ cập internet trên điện thoại di động, giảm thuế xe hơi, hàng tiêu dùng và các nhu yếu phẩm khác”.
“Quốc gia Đông Nam Á với 51 triệu dân giờ đây đang trong cơn chuyển mình mạnh mẽ, bỏ lại phía sau cái bóng quá lớn của một chính quyền quân sự lâu năm và hòa nhập với nền kinh tế thế giới”, tờ CNA viết. Tuy nhiên, CNA cũng chỉ ra những thách thức lớn mà tân Tổng thống Htin Kyaw sẽ phải đối mặt: vấn đề dân tộc thiểu số ở biên giới, vấn đề nghèo đói lan rộng và quân đội vẫn tiếp tục chi phối lớn chính trị và kinh tế.
Tuy không thể trở thành Tổng thống vì có hai con trai là người nước ngoài theo quy định của Hiến pháp; nhưng bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) sáng 30/3 đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao, cùng kiêm nhiệm 3 chức bộ trưởng khác (Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống) trong nội các mới của Myanmar, chấm dứt những đồn đoán trước đó về vai trò và vị trí của bà. Chính chiến thắng vang dội của NLD do bà Suu Kyi lãnh đạo tháng 11 năm ngoái đã mở đường cho cuộc bầu cử Tổng thống dân cử đầu tiên ở Myanmar. Tân Tổng thống Myanmar, ông Htin Kyaw từng là trợ lý thân cận của bà Suu Kyi suốt nhiều năm liền. Trước khi Quốc hội Myanmar bắt đầu tiến trình bầu chọn tân Tổng thống, bà Aung San Suu Kyi từng lên tiếng xin lỗi người dân vì không thể trở thành tổng thống nước này, “không thể hiện đầy đủ nguyện vọng của người dân”, song bà tuyên bố sẽ trở thành người điều hành chính phủ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận