Người mua khó xác định chất lượng sản phẩm
Anh Nguyễn Tuấn Anh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - một người buôn bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhiều năm nay cho biết, hiện nay, với những mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như mỹ phẩm, dược phẩm… khi đăng sản phẩm lên shop (một gian hàng trên sàn) để bán sẽ bắt buộc gửi file các hóa đơn chứng từ như giấy kiểm định chất lượng của cơ quan chuyên ngành.
Sau khi đăng tải, các sàn sẽ kiểm tra, kiểm duyệt và sau đó cho hiển thị sản phẩm. Còn những sản phẩm khác thì gần như không cần giấy tờ gì, cứ đăng lên shop là sẽ được bán.
Với quy trình kiểm soát chất lượng như hiện nay, anh Thắng cho rằng sẽ khó có thể biết đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua hàng qua sàn TMĐT.
"Các sản phẩm bán trên sàn TMĐT thường cạnh tranh về giá rất khốc liệt, nên đa phần xu hướng chọn hàng của chủ shop là hướng đến giá rẻ. Họ chấp nhận bất cứ hàng gì miễn là giá rẻ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng sẽ không bảo đảm được chất lượng. Thậm chí cùng một loại hàng nhưng những sản phẩm được bán trên sàn TMĐT sẽ được sản xuất riêng, giảm lượng, giảm chất", anh Thắng nói.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Thực tế, trước cơn sốt của loạt sàn TMĐT lớn như Temu, Shein, 1688 chưa đăng ký cấp phép nhưng bán rầm rộ ở Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng đưa ra cảnh báo tới người tiêu dùng về rủi ro mua sắm.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.
Do vậy, trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn.
Ví dụ, khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn.
Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước. Do không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo quy định, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ phản ánh, dẫn đến việc giải quyết khiếu nại trở thành một vấn đề phức tạp và kéo dài.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký.
Những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc là những hàng hóa bị cấm tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và an toàn như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và thiết bị điện tử, việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong các trường hợp này, do các cơ quan chức năng không thể giám sát các trách nhiệm của doanh nghiệp về đảm bảo chất lượng sản phẩm, trách nhiệm về đảm bảo tính chính xác của việc cung cấp thông tin về sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ không nhận được hỗ trợ theo quy định pháp luật từ phía các cơ quan chức năng.
Giám sát cách nào?
Báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, hiện nay, trong tổng số 50.334 website TMĐT bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).
Bên cạnh loại hình website TMĐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT), Tổng cục QLTT cho biết, an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Quan điểm của QLTT là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Công, sự gia tăng hàng giả và thực phẩm giả trên môi trường TMĐT với tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, xử phạt.
Thời gian qua, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Điển hình là vụ lực lượng QLTT tỉnh Cao Bằng phát hiện cơ sở kinh doanh nội tạng bán qua hình thức TMĐT với khối lượng hàng hóa vi phạm rất lớn. Lực lượng QLTT cũng đã tham mưu Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường TMĐT và các cơ quan chức năng đang rất tích cực triển khai đề án này.
Còn Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm.
Lực lượng QLTT cũng mong muốn doanh nghiệp đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng để chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của chính mình và xử lý triệt để những đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm giả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận