Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thị sát CHK quốc tế Nội Bài - Ảnh: Lê Sơn |
Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã dành thời gian trao đổi với Báo Giao thông về chủ đề ATGT. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017 sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý để giảm TNGT.
TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí
Thưa Phó Thủ tướng, năm 2016, TNGT tiếp tục được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Vậy, Phó Thủ tướng có thể chia sẻ những đánh giá của mình về công tác đảm bảo TTATGT và những giải pháp của Chính phủ đã thực hiện trong năm 2016?
Năm 2016 có nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới tiếp tục gia tăng. Với những thách thức như vậy nhưng công tác bảo đảm TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn tiếp tục được kéo giảm; TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Trong năm 2016, toàn quốc xảy ra 21.589 vụ, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.261 vụ (-5,52%), giảm 43 người chết (-0,49%), giảm 1.792 người bị thương (-8,5%). Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT trong năm 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
"Nhân dịp năm mới 2017, tôi mong muốn tất cả mọi người dân đều tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cộng đồng, để hướng đến xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện trên đất nước Việt Nam tươi đẹp." Phó Thủ tướng Thường trực |
Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã thành công trong việc kéo giảm tỷ lệ thiệt mạng do TNGT xuống dưới 10 người/100.000 dân, góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Kết quả này được nhân dân ghi nhận và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, huy động được cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương vào cuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT trong năm 2016 bao gồm: Hoàn thiện các quy định pháp luật về TTATGT; Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông; Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện và tái cơ cấu lĩnh vực vận tải; Đổi mới công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; Tập trung kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng xe, an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo, sát hạch lái xe; Tăng cường giáo dục tuyên truyền về TTATGT và chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Còn đó những thách thức, bất cập
Trong năm qua, đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về những thách thức, bất cập trong công tác bảo đảm TTATGT?
Mặc dù có nhiều kết quả tích cực, năm 2016 vẫn còn một số tồn tại hạn chế: TNGT giảm nhưng chưa đạt mục tiêu đặt ra; Vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; Còn tình trạng buông lỏng hoặc quản lý chưa hiệu quả trong một số lĩnh vực, một số địa bàn nhất định; Vẫn còn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận người thi hành công vụ trong các lực lượng chức năng; TNGT nông thôn và ùn tắc giao thông tại đô thị vẫn diễn biến phức tạp; Một số quy định pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống; Năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền giáo dục, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn có những hạn chế. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp và lái xe còn chưa cao. Đây là những thách thức cần tiếp tục được quan tâm giải quyết trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Hình ảnh do camera ghi lại được truyền về trung tâm để lực lượng CSGT làm bằng chứng xử lý người vi phạm. (Chụp tại Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông đặt tại 54 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) - Ảnh: Khánh Linh |
Khoa học công nghệ là giải pháp đột phá
Vậy theo Phó Thủ tướng, năm 2017, để giảm TNGT trong điều kiện càng giảm sâu càng khó, các cấp, các ngành cần làm gì?
Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 - 6,7%, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, nhu cầu giao thông, số lượng phương tiện cũng như sự đa dạng về trình độ và văn hóa của người tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng cao, tạo nên thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu của Nghị quyết A/RES/70/260 ngày 15/4/2016 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Cải thiện an toàn đường bộ toàn cầu nhằm giảm con số thương vong do TNGT đường bộ năm 2020 xuống mức 50% so với năm 2010. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả “Năm An toàn giao thông 2017” với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” với các nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; Gắn kết quả công tác bảo đảm TTATGT với trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về TTATGT trong cả 5 lĩnh vực trụ cột liên quan tới ATGT: Quản lý Nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người và ứng phó sau tai nạn với các trọng tâm: sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ, xây dựng các quy định pháp luật về thống kê ATGT; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT.
Ba là, tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, trước hết là xử lý triệt để các điểm đen TNGT đường bộ, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thủy.
Bốn là, đẩy nhanh tái cơ cấu vận tải nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá cước vận tải đường thủy, đường sắt, hàng hải, hàng không để giảm sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ; Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh và vận tải hành khách công cộng.
Năm là, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; Cương quyết xử lý nghiêm minh các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, quản lý hiệu quả tái phạm về TTATGT; Tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức công vụ, quản lý tốt hoạt động của các lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các hành vi hối lộ, tiêu cực, nhũng nhiễu; Thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Sáu là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT xây dựng văn hóa giao thông tới mọi người dân; Đặc biệt là xây dựng chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu TNGT liên quan đến thanh, thiếu niên.
Bảy là, tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; Quản lý nhu cầu đi lại; Khuyến khích sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; Phát triển vận tải phi cơ giới.
Có thể thấy rằng, các giải pháp bảo đảm TTATGT trong thời gian vừa qua đã phát huy gần như tối đa tác dụng. Bởi vậy, để thực hiện các nhóm giải pháp trên trong thời gian tới một cách hiệu quả, cần có những cách tiếp cận mới, những phương pháp hiệu quả hơn, bao gồm giải quyết bài toán ATGT bằng các giải pháp gốc như quy hoạch đô thị hợp nhất hỗ trợ giao thông công cộng TOD, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ với trọng tâm là công nghệ thông tin trong bảo đảm TTATGT, làm rõ nguyên nhân gốc của các vụ TNGT, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục - xử phạt - truyền thông trong đó có quản lý tái phạm; Nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và nguồn lực cho địa phương trong bảo đảm TTATGT, có các giải pháp tác động thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, tăng cường sự phối hợp giữa quy hoạch - chính sách và giữa các cơ quan có liên quan, thiết lập đường dây nóng TTATGT một cách ổn định và chuyên nghiệp ở các cấp, các ngành...
Thưa Phó Thủ tướng, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới, Chính phủ có những giải pháp cụ thể gì để bảo đảm ATGT cho người tham gia giao thông?
Dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân luôn là thời gian tiềm ẩn nhiều rủi ro gây TNGT do nhu cầu đi lại và vận tải tăng cao, sử dụng rượu, bia khi lái xe... Để bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện trong dịp Tết Đinh Dậu, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 2239/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội xuân năm 2017, đặc biệt là bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải khách; Chống ùn tắc giao thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT…
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận