Làm báo cùng Giao thông

Tăng gì sau giảm biên chế, giảm lãnh đạo?

05/01/2019, 07:36

Nhiều bạn đọc đã ủng hộ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy Nhà nước...

26

Bộ Công an đi đầu trong công cuộc tái cơ cấu

Dưới bài viết “Sau sắp xếp, cả nước giảm gần 10.000 lãnh đạo, 60.000 biên chế” đăng trên Báo Giao thông, nhiều bạn đọc đã gửi bình luận ủng hộ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy Nhà nước.

Bạn đọc Linh Hoàng viết: “Một con số khó tin nhưng đã thành hiện thực”.

Bạn đọc Minh Anh chia sẻ: “Theo bài báo, các cơ quan T.Ư giảm 7 đơn vị tổng cục, 202 đơn vị cấp vụ, cục, hơn 14.800 đơn vị cấp phòng, giảm 11 lãnh đạo tổng cục, 178 lãnh đạo cấp vụ, cục, 881 lãnh đạo cấp phòng, giảm 933 biên chế. Con số này quá ấn tượng, tôi đặc biệt phấn khởi khi Bộ đi đầu trong công cuộc tái cơ cấu là Bộ Công an. Hy vọng, tinh thần này tiếp tục được lan tỏa và tiếp tục được quán triệt trong các năm sau, ở các cơ quan, tổ chức khác nữa”.

Bạn đọc Hoài An bình luận: “Điều khó nhất đã bước đầu vượt qua, nhưng sau khi giảm biên chế thì phải tăng trách nhiệm, tăng lương. Có làm được thế, bộ máy Nhà nước mới thật sự hiệu quả, mới làm động lực thúc đẩy phát triển”.

Bạn đọc Trần Tiến đồng tình: “Nếu chỉ sắp xếp cơ học thì chưa chắc đã tăng được chất lượng bộ máy. Cái chúng ta cần là những người thực thi công vụ, các công chức, viên chức Nhà nước phải có trình độ, phải được quản lý bởi một hệ thống pháp luật nghiêm minh, có muốn sai cũng không làm được. Ngoài ra, họ phải sống được bằng đồng lương chân chính chứ không ăn lương ba cọc ba đồng mà mang trọng trách xây dựng những quyết sách của Chính phủ”.

“Tôi ủng hộ việc bỏ chế độ công chức trọn đời, ủng hộ việc xây dựng tiêu chí đánh giá từng vị trí công việc và định lượng cụ thể khối lượng công việc để đánh giá hoàn thành công việc cuối năm. Chỉ khi làm được như thế, bộ máy Nhà nước mới thực sự mạnh, mới cắt bỏ được những công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về, thiếu trình độ, trách nhiệm và thờ ơ với những nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp”, bạn đọc Tiến Oanh bình luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.