Tăng trẻ mắc Covid-19
Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, cho biết: Gần đây ghi nhận nhiều trẻ nhỏ vào viện thăm khám test nhanh dương tính virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, một số ít trẻ đồng nhiễm vừa mắc Covid-19 vừa nhiễm cúm A, hoặc tay chân miệng.
Khám cho bệnh nhi
Trên thực tế, tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng phụ mới của biến chúng Omicron, và là thời điểm “vào mùa” của các dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng, do vậy, trẻ hoàn toàn có thể cùng lúc nhiễm từ 2 bệnh lý truyền nhiễm. Đa phần trẻ đến thăm khám khi có dấu hiệu sốt ở ngày thứ 3 kèm ho, sổ mũi, đau họng… và được chỉ định điều trị triệu chứng cùng lưu ý chăm sóc, theo dõi trẻ.
Theo BS. Cường, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định trẻ mắc đồng nhiễm sẽ khiến bệnh tình nặng hơn, tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng cho trẻ tránh tối đa việc nhiễm bệnh.
Chị Diệu Thu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Bé nhà em 3 tuổi bị viêm phổi, nằm viện 1 tuần xong về nhà tái đi tái lại hơn tháng nay. Uống liên tục mà hiện tại vẫn ho với sổ mũi nhiều lắm".
Cũng sốt ruột vì con ốm sốt liên miên, chị Hoài Thương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Bé nhà mình 3 tuổi vừa trải qua 1 tuần điều trị, sốt, ho và quấy lắm. Lo nhất là 2 ngày đầu sốt cao liên tục, con test nhanh ra mắc Covid-19, vừa ổn, chưa kịp hồi sức lại nhiễm cúm do lây từ bác đến thăm".
Thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng, trong đó có bệnh nhi. Trường hợp trẻ đồng nhiễm các bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, chủ yếu là trẻ mắc liên tiếp, vừa hết bệnh này lại sang bệnh khác.
Giúp trẻ vượt dịch bệnh, cha mẹ lưu ý điều gì?
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngoài số người tái nhiễm Covid-19 có xu hướng gia tăng, người dân phía Bắc, đặc biệt ở Hà Nội đối mặt nguy cơ “dịch chồng dịch”. Nhất là thời điểm hiện nay mưa nắng thất thường, việc trẻ quay bắt đầu đi học hè trở lại, đặc biệt là ngày tựu trường tới đây càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Trừ cúm và Covid-19 (mới có vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trở lên), đa số các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng việc phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lý truyền nhiễm cho trẻ, theo bác sĩ Nhi khoa Dương Thị Thủy, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Theo đó, cần lưu ý ăn uống hợp vệ sinh, bảo bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ; Tránh tập trung nơi đông người, nếu đến nơi đông người cần bảo vệ bằng đeo khẩu trang y tế và tránh nhạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây nhiễm sang người xung quanh; Tiêm vaccine phòng bệnh như vaccine cúm, Covid-19.
BS. Cường cũng cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc kháng virus Tamiflu trong khi đang dịch cúm A/B với tỷ lệ mắc khá cao. Có những bé mắc cúm A đến ngày thứ 5-6, cha mẹ vẫn mua Tamiflu cho uống mà đâu biết nguy cơ lớn hơn lợi ích rất nhiều.
Nhiều bé tình trạng ổn định không có bệnh lý tim, phổi bẩm sinh, không có chỉ định nhưng cha mẹ vẫn tự tìm mua bằng mọi cách từ chợ đen đến xách tay để dự phòng cho con.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận