Quốc hội yêu cầu kiểm soát hoạt động cho vay các dự án BOT, vừa bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng, vừa tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông hiệu quả. |
Chiều 24/11, với đa số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.
Theo đó, Quốc hội ghi nhận nỗ lực, các giải pháp, cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án TAND tối cao và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện các cam kết, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này nói riêng, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Kiểm soát cho vay các dự án BOT giao thông
Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý, tiếp tục giảm mạnh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; Nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế, hải quan, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch; có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp qua từng năm.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, yêu cầu việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu rà soát, đánh giá, tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động cho vay hỗ trợ ngư dân, nhà ở xã hội, hỗ trợ học sinh, sinh viên; kiểm soát hoạt động cho vay các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) theo hướng vừa bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, vừa tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế.
Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm cảnh báo sớm và phát hiện kịp thời các yếu kém trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, giảm thiểu rủi ro...
Ngăn chặn thông tin xấu độc, không để xảy ra án oan sai
Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV |
Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tích cực triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trên cả 03 nhóm chỉ số về hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Báo chí; sớm ban hành và triển khai Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Làm tốt công tác quản lý báo chí; trong đó, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác; tăng cường cung cấp các thông tin người tốt, việc tốt, đẩy lùi thông tin xấu, độc hại.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về dịch vụ truyền thông; tăng cường công tác quản lý hoạt động liên kết, xã hội hóa các chương trình giải trí trên hệ thống phát thanh, truyền hình cả về nội dung và phạm vi liên kết; kiểm tra, xử lý nghiêm các chương trình, nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam; khắc phục tình trạng sim rác, tin nhắn rác.
Chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh; tăng cường kiểm soát, hạn chế thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội, nhất là thông tin đối với trẻ em. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.
Đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân, cần có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại án, quyết định của Tòa án. Trong đó, đối với việc xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, có giải pháp để tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.
Đối với việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hạn chế tối đa việc hủy án nhiều lần dẫn tới kéo dài việc giải quyết; khắc phục triệt để việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Đối với việc xét xử các vụ án hành chính, cần nâng cao tỷ lệ xét xử, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn theo quy định của pháp luật, việc hủy án, sửa án do nguyên nhân chủ quan.
Ngoài ra, cần tiếp tục kiện toàn, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng, năng lực, bản lĩnh chính trị đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân các cấp....
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận