Luồn lách “vợt” khách khắp khu du lịch Cát Bà
Thị trấn Cát Bà từ lâu là một khu du lịch khá nổi tiếng của khu vực phía Bắc mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Những tháng hè, lượng khách du lịch đổ về đây rất đông, trong khi hạ tầng giao thông tại thị trấn Cát Bà chưa đồng bộ khiến các tuyến phố trong thị trấn thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện loại xe chở khách 29 đến 35 chỗ luồn lách khắp các tuyến phố khiến giao thông quanh khu vực vốn đông đúc, nay càng thêm quá tải. Những chiếc xe này mang thương hiệu Daiichi là loại xe hợp đồng nhưng lại hoạt động như xe khách tuyến cố định.
Video: Xe dù Daiichi vô tư dừng giữa đường để khách từ văn phòng của hãng lên xe
Có mặt tại thị trấn Cát Bà, PV Báo Giao thông không mấy khó khăn để phát hiện ra những chiếc xe khách cồng kềnh loại từ 29 chỗ trở lên mang thương hiệu Daiichi. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe khách của hãng này nghênh ngang chạy khắp các tuyến phố, đón, trả khách vô tội vạ.
Bám theo những chiếc xe khách mang nhiều BKS khác nhau của hãng này như 50LD - 068.93, 17B - 020.61; 29B - 406.12… chúng tôi phát hiện ra những lộ trình không theo một nguyên tắc nào của các xe khách này. Những chiếc xe khách này lừng lững chạy trên các tuyến phố như: Núi Ngọc, đường 1/4 , hồ Tùng Dinh, Hà Sen…Tại các tuyến đường trên, những chiếc xe khách này sẵn sàng dừng lại ở bất cứ điểm nào dù là nhà hàng, khách sạn, quán cà phê để “vợt” khách. Mỗi chiếc xe khách có thể đảo qua, đảo lại nhiều lần qua một tuyến phố miễn là nơi đó có khách. Mỗi lần xe của “tập đoàn xe dù Daiichi” dừng lại hoặc vào các khúc cua nhỏ hẹp ở thị trấn Cát Bà đều khiến các phương tiện khác ùn ứ phía sau.
Dù chẳng chạy theo lộ trình nào nhưng các xe này đều có một điểm chung là dừng lại rất lâu để đón khách tại “đại bản doanh” của hãng tại phố Núi Ngọc, thị trấn Cát Bà. Tại đây một “bến cóc” chính là văn phòng đại diện của hãng được mọc lên với tấm biển Công ty TNHH quốc tế Daiichi. Qua hệ thống đại lý, cò mồi hành khách được hướng dẫn đến chờ ở văn phòng công ty để từ đây lên xe đi Hà Nội cũng như các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình…Tuyến đường Núi ngọc vốn nhỏ hẹp, luôn nườm nượp khách du lịch trong nước và quốc tế đi bộ, mỗi khi một chiếc xe 45 chỗ dừng đỗ choán hết 1/2 lòng đường. Từ phía bên đối diện, hàng chục hành khách lũ lượt lỉnh kỉnh đồ đạc băng qua đường lên xe. Mỗi ngày có tới hàng chục lần du khách đi qua tuyến đường Núi Ngọc bức xúc vì hàng loạt phương tiện ùn ứ mỗi khi một chiếc xe Daiichi dừng, đỗ đón khách.
Chiêu trò núp bóng xe hợp đồng
Trong vai là hành khách đi từ trung tâm thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải - TP. Hải Phòng) về Hà Nội. Khoảng 10h30 phút ngày 10/6, phóng viên đã gọi điện đặt vé qua số hotline của hãng xe Daiichi. Qua điện thoại, nhân viên của hãng này hướng dẫn chúng tôi đến thẳng văn phòng của hãng ở số 19 Núi Ngọc, Cát Bà - văn phòng chính của hãng xe ở Cát Bà.
Quan sát tại văn phòng của hãng xe cho thấy, hoạt động vận chuyển hành khách diễn ra tấp nập, người ra vào liên tục. Văn phòng có bố trí bàn đón tiếp hành khách, các dãy ghế dành cho hành khách và 3 nhân viên phục vụ. Khi chúng tôi vào thì được một nhân viên hỏi thông tin như họ tên, số điện thoại để ghi vào danh sách có sẵn. Đây được xem là một hình thức “lách luật” khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Đến khoảng 12h35’chúng tôi lên xe, loại 45 chỗ. Lạ lùng ở chỗ, khi lên xe mỗi hành khách thay vì được bán vé thì lại được cấp một chiếc thẻ, tên là “Thẻ khách”.
Xuất phát từ số 19 Núi Ngọc, chiếc xe nghênh ngang đi qua rất nhiều cung đường để tiếp tục đón khách dọc đường hoặc hành khách đặt vé qua số hotline của hãng xe và tiếp tục di chuyển đến bến tàu Cái Viềng. Sau đó, hành khách sẽ lên tàu đi đến phà Gót, đến phà Gót hành khách lên xe của hãng xe Daiichi đã đợi sẵn di chuyển về Hà Nội theo lịch trình. Trên xe, luôn có 2 nhân viên phục vụ của hãng xe theo dõi sát sao mọi lịch trình của hành khách.
Khi phóng viên thanh toán tiền xe với mức giá là 250 nghìn đồng/vé và hỏi xin vé xe thì nhân viên phục vụ xe trả lời: “Trên xe không có vé mà phải về số 96 Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội) mới có”.
Nhưng khi về 96 Nguyễn Hữu Huân thì tôi được 1 nhân viên tại đây cho biết không có vé mà chỉ có 1 tờ phiếu thu của hãng xe mang tên Công ty TNHH Quốc tế Daiichi Group.
Chạy thường xuyên nhưng không phải xe khách?
Ông Nguyễn Bá Thành - Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cát Hải cho biết: Thời gian gần đây hãng xe Daiichi tăng cường nhiều xe khách loại lớn hoạt động tại thị trấn Cát Bà. Theo danh sách công bố biểu đồ xe chạy tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định được các cơ quan chức năng cấp phép không có doanh nghiệp nào là Daiichi cả. Tuy nhiên, trong quá trình nắm thực tế hoạt động tại địa bàn, chúng tôi biết doanh nghiệp này ngày nào cũng có các tuyến xe khách chạy tuyến Cát Bà - Hà Nội. Tháng 11/2018, UBND huyện đã rà soát, tổng hợp các phương tiện ô tô khách thường xuyên hoạt động trên địa bàn huyện. Theo đó, hãng Daiichi có 4 xe khách loại 29 chỗ thường xuyên hoạt động trên tuyến Cát Bà - Hà Nội. Tuy vậy, tới nay số lượng xe của hãng này đã tăng lên chóng mặt với hơn 10 chiếc thường xuyên hoạt động trên địa bàn thị trấn Cát Hải.
Đại diện Đội CSGT huyện Cát Hải cũng cho biết: Hãng xe Daiichi không được cấp phép hoạt động tuyến cố định qua địa bàn huyện. Hàng ngày họ vận chuyển hành khách tuyến Cát Bà - Hà Nội, Cát Bà - Ninh Bình như những chiếc xe khách tuyến cố định nhưng họ lại hoạt động dưới danh nghĩa xe hợp đồng. Theo nguyên tắc xe hợp đồng không được phép thu tiền của khách mà chỉ thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách với đối tác ký hợp đồng. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra hãng Daiichi và phát hiện họ có hành vi chở khách như xe tuyến cố định. Tuy vậy, hãng xe này có nhiều biện pháp “lách luật” khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận