Sáng 20/9, tại Lâm Đồng, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất.
Phó thủ tướng cho biết Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên được thành lập để cùng các địa phương xây dựng cơ chế đủ mạnh và hiệu quả nhằm bảo vệ bình yên, thúc đẩy sự phát triển của vùng Tây Nguyên. Trước mắt, cần tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ: kết nối giao thông nội vùng và giữa vùng với khu vực phụ cận như TP.HCM, ven biển miền Trung; phối hợp thu hút đầu tư. Trong đó, phải hết sức lưu ý khả năng đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư vì sự phát triển chung cả khu vực...
Đối với nhiệm vụ kết nối giao thông, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu cần tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng kết nối Tây Nguyên, trong đó ưu tiên đầu tư cao tốc. Trong bối cảnh hiện nay, cần có sự huy động vốn của Trung ương, địa phương và nhà đầu tư.
Về các tuyến đường liên kết vùng, Phó thủ tướng gợi ý tỉnh khu vực Tây Nguyên có thể cùng góp vốn đầu tư theo hướng địa phương nào mạnh hơn về nguồn lực đóng góp nhiều hơn; hoặc tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác, trong đó có Hải Phòng về thực hiện các dự án hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2023 để lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để các tỉnh Tây Nguyên đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Trong phần thảo luận, đa số lãnh đạo các tỉnh ở Tây Nguyên mong muốn Chính phủ ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, như tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; nghiên cứu đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa); mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đến nay Thủ tướng đã giao Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đến năm 2025 hoàn thành 4 tuyến cao tốc dài 295 km; đến 2030 đầu tư 8 tuyến cao tốc dài 830 km để kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp, địa hình đồi núi, cao nguyên chia cắt, xa các trung tâm kinh tế lớn, chưa được quan tâm đúng mức nên cần có giải pháp phù hợp để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ GTVT đề xuất cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Tây Nguyên, trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng phê duyệt.
Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực; khai thác hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án cao tốc được đầu tư. Các bộ, ngành và địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện, phối hợp giám sát, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh đó, để thu hút được các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội; thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp.
Các địa phương trong vùng cũng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, đảm bảo khai thác đồng bộ.
Để đẩy nhanh tiến độ, vai trò của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ dự án cũng rất quan trọng.
Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên được thành lập theo Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng, do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi gần 6 triệu người thuộc 54/54 dân tộc anh em sinh sống.
Những năm qua, Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng. Tuy nhiên vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp.
Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận