Giao thông

Tàu bay bị “bỏ quên” ở Nội Bài chỉ đáng giá... sắt vụn

10/02/2017, 07:44

Cơ quan chức năng đang nhanh chóng hoàn tất thủ tục để đấu giá chiếc tàu bay B727-200 bị bỏ quên tại Nội Bài.

8

Tàu bay B727-200 bị bỏ quên tại CHK quốc tế Nội Bài

Thành lập Tổ giám sát việc đấu giá

Liên quan đến kế hoạch bán đấu giá tàu bay B727-200 bị bỏ quên tại CHK quốc tế Nội Bài, theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đào Văn Chương, cơ quan này đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch đấu giá trình Bộ GTVT.

Theo dự thảo này, việc đấu giá tàu bay sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về đấu giá tài sản. Theo đó, Cục Hàng không VN sẽ là cơ quan thực hiện việc bán đấu giá tàu bay. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho quá trình bán đấu giá, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Cục Hàng không VN ủy quyền cho TCT Cảng hàng không VN (ACV) trực tiếp thực hiện việc bán đấu giá. ACV có thể tự thực hiện việc bán đấu giá hoặc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản. Kinh phí bán đấu giá do ACV tạm ứng chi trả và sẽ được hoàn lại sau khi kết thúc việc bán đấu giá. 

Về giá khởi điểm, theo Cục Hàng không VN, ACV được phép thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tuy nhiên, việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá trong trường hợp tàu bay B727-200 phải căn cứ vào tình trạng kỹ thuật hiện tại của tàu bay. 

Cục Hàng không VN cũng đề nghị Bộ GTVT thành lập một tổ giám sát việc bán đấu giá tàu bay và quản lý tiền thu được từ việc bán đấu giá tàu bay. Tiền bán đấu giá sẽ được thanh toán lần lượt theo thứ tự ưu tiên như sau: Án phí và các chi phí cho việc thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm bằng việc bán đấu giá tàu bay; Tiền công gìn giữ, cứu hộ tàu bay và các chi phí có liên quan; Các khoản nợ về thuế, lệ phí, phí; Các khoản nợ về các quyền, lợi ích đối với tàu bay được đăng ký hoặc theo bản án, quyết định của toà án; Các khoản khác theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quy định của pháp luật.

Sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá, nếu còn tiền thì số tiền này sẽ được nộp cho ngân sách trung ương. 

Giá trị tàu bay ước tính như… giá sắt vụn

Cuối giờ chiều qua, trao đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Nguyễn Đình Dương cho biết, hiện chưa thể xác định được chính xác giá trị chiếc tàu bay, tuy nhiên giá trị sử dụng là không còn. Một cán bộ của Cục Hàng không VN cũng từng khẳng định, thực chất tàu bay này “chỉ có thể dùng được cái vỏ, trưng bày chứ không thể khắc phục”. 

“Giá trị chiếc tàu bay hiện chỉ có thể tính như giá sắt vụn và ước tính phải 5 chiếc tàu bay tương tự (như chiếc B727-200 bị bỏ quên, hư hỏng nghiêm trọng) mới đủ số tiền thanh toán các chi phí cho cảng, trong đó chủ yếu là tiền dịch vụ sân đậu tàu bay”, ông Dương nói. 

Hiện, vẫn chưa có con số cuối cùng về khoản chi phí sân đậu chiếc tàu bay nặng 80 tấn này đến thời điểm hiện tại, song trước đó, theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, CHK quốc tế Nội Bài đã từng có một báo cáo về chiếc B727-200 này. Theo đó, các khoản thu từ việc máy bay B727-200 của Royal Khmer Airlines đậu lại sân bay Nội Bài tính từ thời điểm 1/12/2007 đến hết ngày 22/8/2014 đã lên tới 605.800 USD. Trong đó, riêng tiền dịch vụ sân đậu tàu bay là hơn 528.000 USD. 

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, đầu tháng 5/2007, tàu bay Boeing B727-200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, số hiệu đăng ký XU-RKJ, khai thác tuyến HAN-REP-HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) vì sự cố đã đỗ lại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Sau đó, CHK quốc tế Nội Bài nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng RKA về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, RKA và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển tàu bay cũng như không có liên hệ nào.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó đã có thông báo việc giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) đã bị thu hồi và tàu bay B727-200 đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục Hàng không VN có thể xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.