Theo quy định tại Nghị định số 86/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016 về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển; có hiệu lực từ 15/9), điểm mới được bổ sung là tàu biển được chuyển sang đăng ký phương tiện thủy cấp VR-SB và đăng ký lại vào đội tàu biển.
Cụ thể, khoản 4 Điều 7 của nghị định quy định: "Tàu biển xóa đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam để đăng ký phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB, có thể được đăng ký lại vào sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam với hình thức đăng ký tàu biển không thời hạn hoặc đăng ký tàu biển loại nhỏ, nếu tuổi của phương tiện phù hợp với các quy định về giới hạn tuổi tàu biển".
Giới hạn tuổi tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng khi đăng ký tại Việt Nam được quy định: tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn không quá 10 năm; các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động không quá 15 năm. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định, nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.
Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam, theo nghị định trên, được sử dụng để ghi lại các thông tin liên quan đến tàu biển, tàu công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động đã được đăng ký hoặc xóa đăng ký. Sổ đăng ký tàu biển quốc gia được lập dưới dạng ghi chép trên giấy và cơ sở dữ liệu điện tử.
Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện toàn quốc có hơn 901 tàu VR- SB, trong đó gần 280 chiếc được chuyển đổi đăng ký từ tàu biển sang. Các tàu VR-SB được cấp chứng nhận đăng kiểm chuyển đổi từ tàu sông, tàu biển sang tàu VR- SB được kiểm tra, đánh giá an toàn kỹ thuật và phải thỏa mãn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại phương tiện này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận