Vận tải

Tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài đã giảm mạnh

29/05/2015, 15:20

Đội tàu biển Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí cao trong danh sách đội tàu an toàn hàng hải của thế giới.

 

Cảng HP
Đội tàu Việt Nam đã có tên tuổi là đội tàu an toàn hàng hải khi cập các cảng biển quốc tế

Tàu bị lưu giữ ở các cảng biển nước ngoài cũng đã giảm mạnh

Báo cáo mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, số lượng tàu bị lưu giữ tiếp tục có xu hướng giảm. Trong 5 tháng đầu năm 2015, chỉ có 8 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ tại các cảng thuộc khu vực Tokyo MOU, chiến tỉ lệ 3,04% trên tổng số 263 lượt tàu bị kiểm tra, các khiếm khuyết của tàu.

Trước đó, năm 2014, tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ ở các cảng biển nước ngoài cũng đã giảm mạnh, chỉ còn 3,99%. Trong khi năm 2012, tỷ lệ tàu bị lưu giữ của Việt Nam lên tới 6,88% với 54 tàu. Trước đó, năm 2011, con số này là 103 tàu bị lưu giữ. 

Đặc biệt, tròn năm qua, kể từ tháng 5/2014, Việt Nam chính thức thực hiện Công ước Lao động Hàng hải MLC2006, song từ đó đến nay chỉ có duy nhất 1 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ do liên quan đến thực hiện MLC2006.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, con số này là đáng phấn khởi, khi thống kê cho thấy trong 1 năm vừa qua, đã có 160 tàu biển bị các Chính quyền cảng trên thế giới lưu giữ vì có các khiếm khuyết liên quan đến MLC2006, trong đó khu vực Tokyo-MOU.

Tại thời điểm này có thể khẳng định, đội tàu Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của MLC2006 và tiếp tục đứng ở thứ hạng cao của "Danh sách trắng của Tokyo MOU" – danh sách các đội tàu có mức độ an toàn hàng hải cao của thế giới.

“Lúc đầu cũng đã có rất nhiều lo lắng khi Việt Nam chính thức tham gia việc thực hiện công ước MLC2006. Gia tăng số tàu bị lưu giữ do MLC2006 có thể đe dọa đến kết quả hơn 10 năm phấn đấu để thoát khỏi Danh sách đen cuả Tokyo MOU mà đội tàu biển Việt Nam vừa đạt được cuối năm 2014 vừa qua.

Đáp ứng được các tiêu chuẩn của MLC2006 là một thách thức đối với đội tàu Việt Nam hoạt động trên các tuyến quốc tế, bởi tuổi tàu của ta khá lớn – trung bình 17 tuổi so với của các nước là 12 tuổi, và năng lực tài chính của doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam rất hạn chế, do đa số có quy mô rất nhỏ, hầu hết chưa phục hồi sau giai đoạn dài nhiều khó khăn”, ông Thu cho biết.

MLC2006 được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua tháng 2/2006, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/8/2013. Đây được coi là một trong số trụ cột của pháp luật hàng hải quốc tế, tạo nên nền tảng pháp lý cho hoạt động vận tải biển trong thế kỷ XXI.

Công ước MLC2006 thiết lập các yêu cầu tối thiểu liên quan đến điều kiện sống và làm việc đối với thuyền viên. Các tàu thương mại có tổng dung tích từ 500 trở lên thực hiện các chuyến đi quốc tế, yêu cầu phải có giấy chứng nhận theo quy định của Công ước MLC. Cụ thể là phải có Giấy chứng nhận Lao động hàng hải (MLC) và Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải (DMLCI và DMLCII), để chứng minh là tàu tuân thủ các yêu cầu của Công ước.

Trong quá trình hoạt động, khi đến cảng nước ngoài, tàu sẽ được Chính quyền cảng thực hiện kiểm tra để xác nhận sự đáp ứng thỏa mãn các quy định của Công ước MLC2006. Trong trường hợp phát hiện có các khiếm khuyết nghiêm trọng trên tàu liên quan đến việc thực hiện MLC2006, tàu có thể bị Chính quyền cảng lưu giữ cho đến khi khiếm khuyết được khắc phục một cách thỏa đáng.

Toàn bộ tàu Việt Nam chạy tuyến nước ngoài đáp ứng MLC2006

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, để chạy tuyến nước ngoài, bắt đầu từ tháng 5/2014 tàu biển Việt Nam phải có "Giấy chứng nhận" đáp ứng các điều kiện của MLC2006. Đến nay toàn bộ gần 400 tàu chạy tuyến nước ngoài của Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận MLC từ Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về Hàng hải, theo ông Bùi Thiên Thu, thực hiện kế hoạch “vượt cạn MLC”, giữ vững thứ hạng đội tàu, suốt thời gian qua, các giải pháp tổng thể đã được thực hiện. Bên cạnh việc xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để triển khai thực hiện Công ước MLC2006, công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Công ước tới các DN, các cảng vụ hàng hải được thực hiện bài bản, thì quản lý Nhà nước tại các cảng biển cũng được siết chặt.

Ông Bùi Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho biết: “Việc kiểm soát tàu rời cảng được thực hiện nghiêm ngặt. 100% tàu từng bị lưu giữ đã được kiểm tra kiểm soát trước khi rời cảng đi nước ngoài. Các tàu khác cũng được kiểm tra, nếu trong vòng hai tháng chưa được kiểm tra bởi một cảng vụ hàng hải khác. Cảng vụ kiên quyết không cho phép tàu Việt Nam rời cảng khi chưa khắc phục hết các khiếm khuyết”. 

Trong đó kiểm tra MLC là một nội dung kiểm tra bắt buộc. Nguyên tắc là tàu phải đảm bảo đầy đủ các nội dung MLC2006 mới được rời cảng. Tại cảng Hải Phòng, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra 89 tàu Việt Nam rời đi các tuyến nước ngoài và 222 tàu nước ngoài cập cảng. Với MLC, cảng vụ kiểm tra Giấy tờ chứng nhận và rà soát kiểm tra lại trên thực tế. Toàn bộ các tàu Việt Nam đi các tuyến quốc tế đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung MLC.

Từ phía doanh nghiệp, đều thừa nhận, để thực hiện MLC đối với doanh nghiệp Việt Nam, khó khăn ban đầu là quá lớn, song vì đây là điều kiện bắt buộc để ra các tuyến đường biển quốc tế, nên nỗ lực là rất cao.

Ông Hoàng Xuân Hiến, Trưởng phòng Pháp chế - An toàn Công ty vận tải Biển Đông cho biết, khó khăn ở giai đoạn đầu là nhận thức và thời gian thực hiện khá gấp gáp. Tiếp đó là khó khăn lớn là tài chính, “Vì doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, doanh nghiệp nào cũng nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ sửa chữa bảo dưỡng. Tàu nào cũng cũ, hầu hết đều cần phải bảo dưỡng, nâng cấp lại mới đáp ứng được các điều kiện của MLC2006”.

“Những yêu cầu cơ bản nhất của MLC yêu cầu chủ tàu phải bố trí cho thuyền viên không được làm việc quá 8h liên tục, phải được nghỉ ngơi tối thiểu 10h mỗi ngày trong đó phải được nghỉ tối thiểu 6h liên tục trong mối 24h bất kỳ. Không được nợ lương thuyền viên dù chỉ 1 tháng, yêu cầu tàu nào cũng phải có phòng ngủ, phòng sinh hoạt, phòng chăm sóc y tế và phòng phải có điều hòa, có toilet khép kín... Để thực hiện đầy đủ, trong 1 thời gian ngắn, doanh nghiệp đã phải thay đổi lớn về nhận thức, về cung cách quản lý, và cần nguồn lực tài chính.

Vượt qua được là một nỗ lực lớn và đến nay tàu Việt Nam ra vào các cảng biển nước ngoài là được thừa nhận đảm bảo an toàn”, ông Hiến cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.