Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thông tin thêm về việc chỉ đạo ngăn chặn tình trạng tàu cá của tỉnh này vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo quy định tại Nghị định 26 của Chính phủ đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019. Đối với tàu có chiều dài từ 15-24m (thực hiện nghề kéo lưới hoặc câu cá ngừ) phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xong trước ngày 1/1/2020. Đối với những tàu còn lại phải hoàn thành trước ngày 1/4/2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, đến thời điểm này, nếu tàu nào có chiều dài từ 24m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là vi phạm quy định của Nhà nước. Đồng thời, đề nghị các chủ tàu, các thuyến trưởng thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật.
“Tỉnh đã chỉ đạo nhiều năm trước, từ tuyên truyền, vận động, giáo dục các thuyền trưởng phải đánh bắt trong phạm vi vùng biển Việt Nam, không được đánh bắt ra vùng biển của nước ngoài. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Hải cho hay.
Cũng theo ông Hải, đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã lắp đặt gần 1.200 tàu cá, nhưng trong quá trình hoạt động có hơn 150 tàu thường xuyên mất kết nối (kể cả ngoài biển và trong đất liền).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đáng nói là nguyên nhân chủ quan do tác động của chủ tàu, của thuyền trưởng vào thiết bị giám sát hành trình hoặc do không nộp phí cho nhà mạng, dẫn đến bị cắt kết nối.
Điển hình gần đây nhất, có 1 tàu cá cùng 4 ngư dân của Cà Mau bị Hải quân Malaysia bắt giữ. Cụ thể, tàu cá CM-98935TS do ông Hứa Chí Tâm làm chủ, kiêm thuyền trưởng cùng với 3 ngư dân, xuất bến từ cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) ngày 6/9. Quá trình hoạt động, ông Tâm đã tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang 1 tàu cá khác.
Sau đó, ông Tâm điều khiển tàu cá CM-98935TS sang vùng biển Malaysia để thu mua hải sản. Khoảng 7h ngày 14/9, tàu này bị Hải quân Malaysia bắt giữ vì có hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển Malaysia.
Trước thực trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo phải chấm dứt tình trạng trên.
“Chúng ta không chấp nhận vấn đề này, vì đây là cam kết quốc tế của Việt Nam với các nước. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam bị châu Âu giơ thẻ vàng về thủy sản vào châu Âu. Nếu chúng ta không sớm khắc phục các quy định của châu Âu về khai thác trên biển (trong đó, có việc vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác bất hợp pháp) thì châu Âu rất có thể sẽ rút thẻ đỏ đối với thủy sản Việt Nam. Lúc đó, thủy sản Việt Nam sẽ không vào được thị trường châu Âu, sẽ thiệt hại rất nặng”, ông Hải nói.
Để chấm dứt tình trạng tàu cá trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, đảm bảo quyền lợi thủy sản của Việt Nam, của bà con ngư dân trong thời gian tới, ông Hải đề nghị các cấp, các ngành phải tiếp tục tuyên truyền cho bà con ngư dân, những người khai thác trên biển hãy thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về khai thác biển, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kêu gọi: “Các chủ tàu, các thuyền trưởng hãy nghiên cứu kỹ và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không vì lợi ích riêng của mình mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của Quốc gia”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận