Đường sắt đô thị

Tàu Cát Linh - Hà Đông chở khách từ 6/11: Giá vé linh hoạt, 6 phút/chuyến

05/11/2021, 06:00

Từ sáng 6/11, tàu Cát Linh- Hà Đông chính thức chở khách, giá vé chặng 8.000-15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng.

Giá vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng.

img

Các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy từ 5-23h hàng ngày

Giá vé linh hoạt

Chiều qua (4/11), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì buổi họp báo về kế hoạch chuyển giao khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, tốc độ khai thác trung bình là 35km/h. Thời gian chạy toàn tuyến từ Cát Linh tới Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút. Khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h - 23h hàng ngày.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết: Đúng 7h ngày 6/11, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức khai thác vận hành thương mại. Sáu tháng đầu, đơn vị vận hành sẽ chạy 6 đoàn tàu, trong đó 15 ngày đầu 3 đoàn tàu chạy không ngừng nghỉ. Trong 6 tháng sau, đơn vị vận hành sẽ chạy 9 đoàn tàu, giãn cách giữa 2 chuyến là 6 phút.

Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa là 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến, lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu lượt khách/ngày.

“Tuyến đường sắt hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng, tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng góp phần giảm ùn tắc nội đô”, ông Tuấn nói và cho biết, trong quá trình khai thác, việc đảm bảo an toàn là yếu tố quan trọng nhất và sẽ được đơn vị khai thác (Metro Hà Nội) lưu ý.

Về giá vé, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) khẳng định “có 3 điểm mới so với vận tải bằng xe buýt”.

Thứ nhất, khách đi dài trả tiền nhiều, đi ít trả tiền ít, không tính đồng hạng. Thứ hai, đối với vé tháng được tính 30 ngày kể từ ngày mua chứ không tính theo mốc cuối tháng. Thứ ba, phát hành cả vé ngày để khuyến khích người dân trong giai đoạn đầu, kết nối du lịch trong lâu dài.

Giá vé được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng và được thành phố phê duyệt. Theo đó, giá vé chặng là 8.000 - 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng; giá vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng.

“Trên thế giới, khai thác đường sắt đô thị chỉ có Nhật Bản và Hồng Kông là thu đủ bù chi. Giá vé tuyến Cát Linh - Hà Đông đã bao gồm khoản trợ giá, phí mua bảo hiểm hành khách”, ông Trường thông tin và cho biết thêm: Bắt đầu từ ngày 6/11, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm.

Dự án chậm 5 - 6 năm, riêng GPMB đã chậm 3 năm

Nói về tiến độ dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Dự án chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh.

“Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ. Chủ đầu tư đã làm chưa tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Bộ GTVT sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Đông khẳng định.

Cũng về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm: Không chỉ những công trình giao thông mà những công trình khác, trong suốt quá trình thực hiện cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư, bồi thường đều vô cùng phức tạp.

Theo ông Tuấn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình xuyên tâm, đi từ trung tâm nội đô tới ngoài vành đai, lại là tuyến đi nổi nên việc chậm trễ GPMB do liên quan tới rất nhiều vấn đề. Thành phố và các quận đã rất cố gắng, dự án chậm 5 - 6 năm thì riêng GPMB (Hà Nội chịu trách nhiệm) cũng mất tới 3 năm. Dự án sẽ là bài học rất lớn cho các dự án tiếp theo.

Khẳng định cần rút ra nhiều bài học từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông làm kinh nghiệm cho việc triển khai các dự án sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Bài học đầu tiên là phải chuẩn bị thật tốt trước khi đầu tư.

“Đây là dự án đầu tiên nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa lường trước được hết các vấn đề. Quá trình chuẩn bị thi công, chúng ta gặp nhiều khó khăn, vừa làm vừa hoàn thành các tiêu chuẩn”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Kế đó, với các dự án trong đô thị phức tạp cần thiết phải tách bạch việc GPMB thành một dự án riêng biệt để rõ ràng trách nhiệm giữa các bên.

55 tuyến buýt kết nối

Về phương tiện kết nối, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, trên dọc hành lang đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến buýt có trợ giá kết nối ngang và dọc, đã được phê duyệt từ năm 2020, đồng thời di dời các điểm tiếp cận xe buýt gần nhà ga của tuyến đường sắt.

Nhà ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt. Riêng ga Cát Linh, Yên Nghĩa kết nối 16 tuyến. Tại các nhà ga đã bố trí điểm gửi xe máy, xe đạp.

Siết chặt phòng dịch Covid-19

Theo Metro Hà Nội, sáng 4/11, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm tra. Công ty cũng sẽ bố trí nước sát khuẩn tại các ga, quét mã QR khai báo y tế cho khách đi tàu, bố trí dự phòng khẩu trang để phát miễn phí và phòng cách ly y tế tạm thời đối với trường hợp khách nghi nhiễm. Tất cả nhân viên phục vụ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được tiêm vaccine hơn 14 ngày.

Diễn tập 63 tình huống đảm bảo an toàn

Metro Hà Nội đã tổ chức diễn tập, xử lý 63 tình huống an toàn theo yêu cầu của Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống ACT.

Chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp; đội ngũ nhân sự đã được đào tạo là 733 người. Các nhân viên phục vụ tuyến đường sắt đã được sát hạch trong tháng 9 và đều đạt yêu cầu.

Hơn 5.740 chuyến tàu chạy với hơn 70.000km vận hành an toàn

Ban QLDA đường sắt cho biết, dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, tương đương khoảng 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Tháng 10/2011, dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Từ tháng 12/2018, dự án thực hiện căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm. Trong thời gian chạy thử 20 ngày, Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu, với tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn.

Dự án có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, có 12 nhà ga và 13 đoàn tàu với tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.