Chưa kể, ngành vận tải biển mỗi năm còn tạo ra nhiều khí thải CO2 hơn so với ngành hàng không.
Để góp phần thay đổi điều này, doanh nhân và nhà kinh tế người Bỉ Gunter Pauli đã thực hiện dự án phát triển tàu mang tên Porrima chạy bằng năng lượng mặt trời, dựa trên việc sử dụng nguồn tài nguyên hạn chế một cách hiệu quả.
Con tàu dài 118 foot (35m), rộng 79 foot (24m) là một dự án điển hình hướng tới sự bền vững. Trên tàu có một trang trại thu nhỏ cho phép Pauli nuôi trồng tảo spirulina và nấm ăn bên dưới sàn tàu.
Ngoài việc được cung cấp năng lượng chủ yếu từ các tấm pin mặt trời, thời gian tới, con tàu có thể sớm được trang bị bộ lọc để tách và cô đặc các hạt vi nhựa dạng nanoplastic từ nước biển và chuyển thành nhiên liệu hydro.
Hệ thống tấm năng lượng mặt trời đặt trên nóc tàu. Ảnh - CNN
Nội thất của tàu Porrima cũng hướng đến quảng bá thông điệp môi trường. Nội thất hai phòng chính của Porrima, phòng VIP và sảnh chính, được lấy cảm hứng từ sự kết hợp giữa búp bê matryoshka của Nga, nghệ thuật origami của Nhật Bản và thiết kế dao của quân đội Thụy Sĩ.
Với diện tích hạn chế trên tàu, phong cách của búp bê Nga đã truyền cảm hứng cho giải pháp bố trí đồ đạc có thể dễ dàng trượt và nằm gọn bên trong nhau để tiết kiệm không gian.
Trong khi đó, sự phức tạp trong cấu trúc gấp giấy origami được thể hiện ở các giá đỡ, khu vực tiếp khách và bàn để có thể xếp gọn vào tường như ngăn kéo.
Và khả năng xoay chuyển linh hoạt như dao quân đội Thụy Sĩ được thể hiện ở khu vực sảnh chính đa năng, nơi có thể được chuyển đổi thành phòng học, không gian triển lãm, thư viện hoặc nhà ăn.
Hình ảnh tàu Porrima được ghi nhận tại điểm dừng ở Dubai. Ảnh - CNN
Ba đặc tính này có vẻ khác nhau nhưng ông Pauli cho biết chúng được kết nối với nhau bởi đặc tính khai thác không gian hiệu quả và sáng tạo.
Ông Pauli cho biết: “Con tàu được tích hợp các công cụ nhỏ gọn và chúng được kết hợp vào cùng một sản phẩm nhưng vẫn giữ được các giá trị nghệ thuật”.
Ông Pauli đã mô phỏng thiết kế của mình dựa trên quan điểm của họa sĩ và nhà lý thuyết nổi tiếng Michelangelo Pistoletto về "Thiên đường thứ ba" - ý tưởng này đề xuất sự hội tụ cân bằng giữa thiên nhiên và công nghệ.
Con tàu đã khởi hành với một nhóm thủy thủ nhỏ từ Osaka, Nhật Bản vào ngày 18/12/2021, dự kiến sẽ dừng tại hơn 10 điểm đến trải khắp 5 châu lục. Thời gian hoàn thành chuyến đi dự kiến trong vòng ba năm, sau đó quay trở lại Nhật Bản để kịp tham dự Triển lãm Thế giới năm 2025.
Hình ảnh tàu Porrima ở Osaka, Nhật Bản trước khi khởi hành. Ảnh - CNN
Trong hành trình di chuyển ba năm của Porrima, nhà thiết kế rất chú trọng tới giáo dục tương tác.
Tại các điểm dừng, ông Pauli hy vọng sẽ kết nối với công chúng, giới học giả và các nhà lãnh đạo, cũng như giới thiệu với họ về thiết kế của tàu. Sảnh chính, khi được chuyển đổi thành một phòng học, sẽ được dùng để dạy trẻ em về những công nghệ mới trên tàu, với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.
"Khủng hoảng khí hậu là điều chúng ta cần giải quyết sau khi công nghệ đã phát triển. Chúng ta càng tự do, càng phát triển, thì chúng ta càng phải có trách nhiệm. Và nghệ thuật là sự tương tác của quyền tự chủ và trách nhiệm." - ông Pauli nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận