Một tàu chở gỗ dăm chất hàng cao che khuất tầm nhìn của người lái |
Gỗ dăm chất vượt tầm nhìn người điều khiển
Đứng trên cầu bắc qua một số tuyến sông chính phía Bắc như: sông Hồng, Thái Bình, Cầu… thường xuyên bắt gặp những phương tiện thủy có trọng tải vài trăm đến hàng nghìn tấn chở gỗ dăm chất nổi trên boong, cao hơn mặt boong tàu trên dưới 2m, thậm chí vượt tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.
Để xếp được hàng cao quá khổ, các con tàu này được chủ tàu bố trí thêm các cọc sắt, cọc gỗ và dùng lưới vây quanh boong, ca bin cũng được nâng cao lên. PV Báo Giao thông đã trực tiếp có mặt tại một điểm chuyên xuất hàng là khu vực sông Công, đoạn giáp ranh giữa huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và TX Phổ Yên, Thái Nguyên và thấy tại đây có khoảng 3 - 4 bến chuyên xuất gỗ dăm, có bến có phép, bến không phép hoạt động. Tàu chở hàng mang BKS nhiều địa phương khác nhau như: QN-7468, HD-4602, HD-0277, HP-4052, HP-4027, PT-1937…
"Doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển gỗ dăm rất lớn, nhưng chưa thấy tàu nào có thiết kế phù hợp để chuyên chở. Các đơn vị đăng kiểm nếu có quy định hoặc hướng dẫn thiết kế phương tiện phù hợp, cũng giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết vi phạm chở gỗ dăm quá khổ”. Ông Nguyễn Công Minh |
Theo các lao động tại đây, hàng chủ yếu được vận chuyển tới các cảng biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng để chuyển lên tàu biển và đưa ra nước ngoài. “Phải cắm cọc xung quanh mới chở được nhiều hàng, kích thước nới có cao thật nhưng loại hàng này nhẹ, quá tải không đáng kể, chỉ khi trên đường đi gặp mưa to, hàng ngấm mưa nặng hơn và sóng gió mạnh bất ngờ mới đáng lo”, thuyền viên tàu HD-0277 tên Tiến nói.
Theo ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, trên sông Đà có một bến không còn thời hạn hoạt động, sông Hồng hai bến, sông Lô hai bến không phép hoạt động, sông Kim Bôi (Hòa Bình, sông địa phương) cũng vài bến. Cách đây vài tháng, lực lượng TTGT thuộc Chi cục đã xử phạt bốn bến, đến nay vi phạm tuy giảm nhưng chưa ngăn chặn được triệt để.
Ngoài ra, cũng có phương tiện xuất phát từ tuyến đường thủy địa phương, ví dụ như tại tuyến sông Kim Bôi, có vài bến gỗ dăm không phép, mà thẩm quyền xử lý chủ yếu thuộc lực lượng chức năng địa phương. Dù xuất phát từ bến không phép, nhưng các phương tiện này chỉ cần có xác nhận của chính quyền cấp xã là được cảng biển tiếp nhận hàng.
Lập ba chốt kiểm soát liên ngành
Ông Nguyễn Công Minh cho biết thêm, để giải quyết triệt để tình trạng trên cần có sự vào cuộc của chính quyền, lực lượng chức năng trong quản lý bến, xử lý phương tiện vi phạm. Cục ĐTNĐ Việt Nam cần lập ba chốt kiểm soát liên ngành trên ba tuyến sông có tàu chở gỗ dăm đi qua: sông Hồng qua Hà Nội, sông Cầu và kênh đào Hạ Lý. “Các tàu chở gỗ dăm buộc phải đi qua các tuyến này để đưa hàng tới Quảng Ninh, Hải Phòng. Việc mở cao điểm kiểm tra sẽ giúp ngăn chặn, tác động tới ý thức chấp hành của chủ phương tiện”, ông Minh nói.
Đề cập vai trò của cảng vụ đường thủy, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II Trịnh Văn Khánh cho biết, từ ngày 1/3 sắp tới, cảng vụ ĐTNĐ được quyền kiểm tra, xử phạt tại cảng, bến không phép. Vì vậy, sắp tới đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng khác để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động vận chuyển gỗ dăm.
Tình trạng phương tiện thủy chở gỗ dăm quá khổ đã diễn ra từ nhiều năm. Để lập lại trật tự ATGT đường thủy, Cục ĐTNĐ Việt Nam yêu cầu các đơn vị chức năng như Thanh tra, cảng vụ ĐTNĐ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, khó khăn là các đội thanh tra đường thủy không đủ lực lượng để thường xuyên giám sát tại các bến gỗ dăm, trong khi để bắt được một trường hợp vi phạm chất gỗ dăm quá tải, lực lượng thanh tra phải mật phục 2 - 3 đêm, chưa kể bị đối tượng xấu đe dọa, cản trở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận