Trang Drive của Mỹ ngày 25/9 đưa tin, một tàu chiến của Hải quân Nga hiện đã rời vùng biển Đan Mạch sau khi va chạm với một tàu chở hàng dân sự ở Biển Baltic.
Theo cổng thông tin của Mỹ, sự cố liên quan đến tàu hộ tống lớp Parchim có tên Kazanets và tàu chở hàng Ice Rose thuộc sở hữu của Thụy Sĩ, được đăng ký tại Quần đảo Marshall.
Vụ va chạm được cho là đã xảy ra vào ngày 23 tháng 9 năm 2020, ở phía nam của Cầu Oresund dài 5 dặm bắc qua eo biển giữa Đan Mạch và Thụy Điển.
Lực lượng vũ trang Đan Mạch (Forsvaret), đã thông báo vào ngày hôm sau (24/9 theo giờ địa phương) rằng tàu hộ vệ Kazanet đã rời khỏi khu vực va chạm và cung cấp một bức ảnh về thiệt hại đối với tàu chở hàng Ice Rose, sau đó nó tiến về phía bắc tới cảng Odense của Đan Mạch.
Hình ảnh cho thấy có một vết nứt lớn đã bị rách ở mạn phải của tàu Ice Rose, hướng về phía đuôi, xuyên qua thân tàu phía trên mực nước biển.
Với lượng rẽ nước khoảng 800 tấn và chiều dài chỉ hơn 236 feet (gần 72 mét), tàu hộ vệ Kazanets nhỏ hơn so với tàu vận tải Ice Rose, dài hơn 475 feet (145 mét) và có tải trọng là 14.567 tấn.
Vụ va chạm giữa tàu hộ tống và tàu chở hàng lạnh diễn ra trong điều kiện mà Trung tâm Điều hành Lực lượng Vũ trang Đan Mạch mô tả là “sương mù dày đặc”. Không có báo cáo thương tích cho những người trên cả hai tàu.
Lực lượng vũ trang Đan Mạch xác nhận rằng không phát hiện thấy sự cố tràn dầu hoặc các chất ô nhiễm khác sau vụ va chạm. Vụ việc hiện đã được giao cho các cơ quan dân sự của Đan Mạch.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tàu tuần tra Najaden (P523) của Hải quân Hoàng gia Đan Mạch đã đến hiện trường, cùng với tàu Cảnh sát biển Thụy Điển Kbv 432, để đánh giá tình hình và tham gia tìm kiếm cứu nạn nếu được yêu cầu.
Tàu Ice Rose trước đó đã rời cảng St. Petersburg ở Nga vào ngày 21 tháng 9 và đang hướng đến Gothenburg ở Thụy Điển. Sau vụ va chạm, tàu chở hàng này sẽ được các nhà chức trách Đan Mạch giám định để xác định xem nó có còn đủ khả năng đi biển hay không.
Theo trang web Maritime Bulletin, thân tàu hộ vệ Kazanets cũng bị thủng trên mặt nước và sau khi va chạm, nó tiến về căn cứ hải quân tại Baltiysk, thuộc vùng Kaliningrad của Nga.
Kazanets là một trong sáu tàu chiến lớp Parchim thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn trong biên chế Hải quân Nga. Các tàu này được chế tạo cho Hải quân Liên Xô tại khu vực trước kia gọi là Đông Đức và chủ yếu dành cho các nhiệm vụ liên quan đến chiến thuật tác chiến chống tàu ngầm ven biển.
Như được hoàn thiện ban đầu, những con tàu này được trang bị một pháo cỡ nòng 76 mm, một pháo 30 mm sáu nòng, hai ống phóng ngư lôi 533 mm kép, hai bệ phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000 12 viên và hai ống phóng bốn nòng cho tên lửa đất đối không Strela-2 hoặc Strela-3M.
Các báo cáo chưa được xác nhận cho thấy hộ tống hạm Kazanets khi xảy ra va chạm đang hoạt động với hệ thống máy phát Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) bị tắt. AIS là một hệ thống theo dõi cung cấp cho các tàu hình ảnh về giao thông hàng hải trong khu vực để giúp ngăn ngừa va chạm tiềm tàng.
Tuy nhiên, tàu Kazanets được phép hoạt động trong lãnh hải của Đan Mạch và đã thông báo cho chính quyền Đan Mạch về sự hiện diện của nó.
Cùng ngày với vụ va chạm gần cầu Oresund, Thụy Điển đã ra tuyên bố phản đối với Moscow sau khi “hai tàu hộ tống của Nga đi vào lãnh hải gần Gothenburg” mà không được phép.
Vụ việc xảy ra vào ngày 14 tháng 9. Hai ngày sau, một tàu quân sự của Đan Mạch cũng đi vào lãnh hải Thụy Điển mà không được phép.
Sự hiện diện quân sự trở lại của Nga trong khu vực có nghĩa là Biển Baltic có tầm quan trọng chiến lược đáng kể. Vùng biển vốn đã đông đúc - có khoảng 2.000 tàu đang hoạt động trong khu vực biển Baltic cùng một lúc - cũng thường xuyên được tuần tra bởi các tàu chiến của Nga và NATO, cũng như các tàu chiến của Phần Lan và Thụy Điển.
Những quốc gia có tàu thuyền quân sự vận hành ở khu vực này thường phải thương lượng và thông báo cho nhau khi tàu thuyền của mình hoạt động ở eo biển hẹp và các vùng nước nông.
Trên không, các máy bay quân sự của Nga thường xuyên bị ngăn chặn bởi hoạt động tuần tra cảnh báo của lực lượng Cảnh sát trên không của NATO (BAP), hoạt động từ các căn cứ ở Lithuania và Estonia để bảo vệ các nước Baltic.
Đan Mạch gần đây đã có một cuộc chạm trán với Không quân Nga khi một máy bay chiến đấu Su-27 Flanker của Moscow bị tố xâm phạm không phận của nước này trên đảo Bornholm trong khi chiếc Su-27 đuổi theo một máy bay ném bom B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ.
Mặc dù việc máy bay quân sự của Nga hoạt động trên không phận của vùng Biển Baltic bị tắt thiết bị phát sóng không phải là chuyện hiếm, nhưng vụ va chạm ở vùng biển phía nam cầu Oresund cho thấy rằng tàu hộ tống Kazanets có thể đã không xác định được danh tính của tàu bè dân sự đang ở gần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận